Kinh tế Trung Quốc giữa sóng ngầm thương mại với Mỹ

Dù Mỹ - Trung đang có 90 ngày đàm phán giải quyết xung đột thương mại, nhưng căng thẳng giữa hai nền kinh tế vẫn đang nổi lên trong khi Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn.
Hôm qua (21.5), tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả việc Mỹ tìm cách hạn chế sử dụng các loại chip tiên tiến do Trung Quốc sản xuất.
Căng thẳng vẫn khó lường
Trước đó, Cục Công nghệ và an ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ ban hành hướng dẫn mới về việc sử dụng chip bán dẫn tiên tiến. Hướng dẫn này cảnh báo nếu sử dụng các loại chip của Trung Quốc, có đề cập cụ thể chip Ascend chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) của Huawei, mà không có sự đồng ý của Washington thì sẽ vi phạm nguyên tắc xuất khẩu vào Mỹ. Gần đây, dòng chip Ascend của Huawei được khai thác ngày càng phổ biến để phát triển các mô hình đào tạo (AI), thậm chí đang cạnh tranh với một số dòng chip của Tập đoàn NVIDIA.
Vì thế, động thái mới của Mỹ nhằm ngăn cản sự phát triển của ngành chip cũng như lĩnh vực AI. Đáp trả lại, Bắc Kinh ngày 20.5 tuyên bố sẵn sàng thực hiện các bước đi táo bạo để bảo vệ lợi ích.
Căng thẳng mới giữa hai bên liên quan vấn đề vừa nêu làm lung lay thỏa thuận "ngừng bắn" giữa Washington và Bắc Kinh trong cuộc thương chiến hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc mới đây đã giảm lãi suất cơ bản đối với các khoản vay thời hạn 1 năm từ mức 3,1% xuống còn 3% nhằm nới lỏng tiền tệ để đối phó Mỹ. Việc cắt giảm lãi suất vừa nêu được công bố ngay sau khi 5 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc thông báo cắt giảm lãi suất tiền gửi. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố sức khỏe nền kinh tế trước khả năng thương chiến với Mỹ căng thẳng trở lại.
Trong phân tích gửi đến Thanh Niên mới đây, Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng S&P Ratings đánh giá thương chiến Mỹ - Trung vẫn rất khó lường do những khả năng "không thể đoán trước" trong chính sách thuế quan của Mỹ.
Khó khăn cho Trung Quốc
Theo giới phân tích, các biện pháp hiện tại của Trung Quốc là không đủ để giải quyết khó khăn của kinh tế nước này. Tờ Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản), đánh giá: "Chúng tôi vẫn tin rằng sẽ khá khó khăn đối với Trung Quốc để đạt được mục tiêu kinh tế tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, trừ khi họ tung ra một gói kích thích khá lớn".
Thực tế, kinh tế Trung Quốc tiếp tục có nhiều dấu hiệu tiêu cực trong tháng 4. Theo phân tích của Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan), giá bất động sản ở 70 thành phố của Trung Quốc trong tháng 4 tiếp tục trượt dốc, với giá nhà mới giảm -0,12% so với tháng trước và giá nhà tháng 5 lại giảm 0,41% so với tháng trước. Mức giảm ở cả 2 tháng 4 và 5 đều sâu hơn so với tháng 3. Vì thế, giá bất động sản Trung Quốc chưa thể xác định đáy giá, trong khi giao dịch trên thị trường vẫn chưa khởi sắc. Như vậy, các biện pháp kích thích thị trường bất động sản mà Trung Quốc áp dụng 2 năm qua vẫn chưa có hiệu quả.
Cũng trong tháng 4, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn dự kiến và cũng thấp hơn so với mức tăng 5,9% của tháng 3.
Không những vậy, doanh số bán ô tô tháng 4 có mức tăng trưởng chỉ 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Suốt những năm qua, ô tô luôn là một lĩnh vực chủ lực của Trung Quốc. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng doanh số bán lẻ của nhiều ngành hàng chủ lực khác cũng không khả quan, như may mặc (2,2%), đồ uống (2,9%) và thuốc lá (4,0%). Tất cả đều thấp hơn mức tăng trưởng trung bình. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 7,7% của tháng 3. Tình hình trên cho thấy sự lo lắng của người tiêu dùng đối với tình hình kinh tế Trung Quốc.