Nhảy đến nội dung

Kinh tế toàn cầu gặp khó, giá vàng phập phồng

Giá vàng thế giới đang tăng giảm khó lường giữa lúc nền kinh tế toàn cầu tiếp tục có nhiều dấu hiệu không khả quan.

Hôm qua, giá dầu thô tiếp tục giảm. Cụ thể, dầu WTI giảm giá 0,76 USD/thùng, tương đương 1,3%, còn 57,63 USD/thùng; dầu Brent giảm 0,71 USD/thùng, tương đương 1,16%, còn 60,58 USD/thùng.

Lo ngại kinh tế trì trệ

Giá dầu giảm được lý giải là do sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng một số đối tác, gọi chung là nhóm OPEC+, có thể sắp tăng thêm. Tuy nhiên, nguyên nhân còn được cho là vì lo ngại kinh tế toàn cầu tiếp tục trì trệ, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm sút nên mức giá giảm đi. Giữa bối cảnh xung đột thương mại và chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây tổn thương cho kinh tế toàn cầu, mối lo vừa nêu càng lớn hơn sau khi số liệu thống kê mới đây cho thấy kinh tế Mỹ giảm 0,3% trong quý 1/2025. Thực tế, bản thân ông Trump cũng thừa nhận rủi ro kinh tế Mỹ có thể suy thoái trong ngắn hạn.

Theo báo cáo vừa được công bố bởi S&P Global Ratings - một trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tín dụng uy tín nhất toàn cầu, ngoài thương chiến leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, chính sách thương mại và thuế của Tổng thống Trump có thể còn gây ảnh hưởng lớn cho giao thương giữa Washington với nhiều đối tác, bao gồm các đồng minh châu Âu.

Từ đó, S&P Global Ratings điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2025 xuống còn 1,5%, trong khi dự báo hồi tháng 3 là 1,5%. Còn Trung Quốc, S&P Global Ratings hồi tháng 3 dự báo tăng trưởng kinh tế nước này lần lượt đạt 4,1% và 3,8% trong năm 2025, nay xuống chỉ còn 3,5% và 3%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 5% trong năm 2025 mà chính phủ Trung Quốc đã đặt ra. Theo báo cáo trên, thương chiến với Mỹ sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc bị hạn chế.

Cũng vì tác động từ thương chiến và chính sách thuế của Nhà Trắng, S&P Global Ratings đồng thời hạ thấp dự báo tăng trưởng với gần như toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới.

Giá vàng phập phồng

Sự bất ổn của kinh tế cũng là nguyên nhân tác động sâu sắc đến diễn biến giá vàng. Tuần qua, giá vàng đã có lúc giảm còn xấp xỉ 3.200 USD/ounce, giảm khoảng 7% so với mức kỷ lục hơn 3.400 USD/ounce vào cuối tháng 4. Nhưng sau đó giá vàng đã tăng trở lại, hôm qua (5.5), giá vàng đã tăng trở lại vượt 3.300 USD/ounce, lên mức xấp xỉ 3.320 USD/ounce.

Sở dĩ giá vàng dao động bất thường là vì tác động xen lẫn theo các chiều hướng khác nhau. Cụ thể, về tổng thể thì kinh tế bất ổn cùng với nhiều yếu tố an ninh, chính trị trên thế giới đã khiến vàng trở thành nơi "trú ẩn" được giới đầu tư tìm đến. So với mức giá 2.500 USD/ounce hồi giữa năm 2024, thì mức vàng đỉnh điểm cuối tháng 4 vừa qua đã tăng khoảng 40%. Theo xu thế này, giữa bối cảnh kinh tế bất ổn hiện nay, giá vàng có thể lại tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên, dù kinh tế đối mặt nhiều thách thức nhưng giới đầu tư dường như đã bình tĩnh hơn, thị trường chứng khoán dần ổn định sau nhiều phiên giảm sâu. Như thế, giới đầu tư cũng có thể dần rút khỏi thị trường vàng. Thêm vào đó, trong khi giá vàng đang khoảng 3.300 USD/ounce thì giá bạc khoảng 32,5 USD/ounce. Như vậy, tỷ lệ giữa giá vàng và bạc là khoảng 100 lần. Trong khi đó, tỷ lệ này thường ổn định ở mức 70 lần, đồng thời bạc cũng bị cho là đã nằm ở mức cao. Cho nên, giá vàng dường như đã tăng cao quá đà. Thế nhưng, với sự khó lường trong việc ban hành chính sách của Tổng thống Trump, thị trường không thể loại trừ khả năng đối mặt những cú sốc mới.

Từ những phân tích trên, giá vàng đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác chiều, đồng thời có những diễn biến phức tạp dẫn đến rất khó dự báo.