Nhảy đến nội dung
 

Kiểm toán Nhà nước nêu tên loạt ngân hàng đầu tư kém hiệu quả, nợ xấu cao

Kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2024 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động của các tổ chức tài chính ngân hàng.

Nợ xấu tăng cao đột biến 

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,25%, ổn định tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. 

Tuy nhiên, kiểm toán chỉ ra nhiều tồn tại và bất cập đáng lo ngại. Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, cơ cấu tín dụng chưa đúng định hướng ưu tiên, dư nợ tín dụng bất động sản cuối năm 2023 tăng 11,8% so với cuối năm 2022 (trong đó đầu tư bất động sản tăng 35,4%, gấp 2,5 lần mức tăng trưởng chung của toàn ngành), chất lượng tín dụng có chiều hướng suy giảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, nợ xấu của nhóm khách hàng có dư nợ cấp tín dụng trên 500 tỷ tăng cao về cả tỷ lệ và dư nợ (chủ yếu tại SCB), trong đó dư nợ của nhóm khách hàng này tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín tăng 536,2%, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 110,8%.

NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5%/năm đến 2%/năm. Tuy nhiên, chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân năm 2023 còn trên 4%. 

Kết thúc Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ đạt 1.216 tỷ đồng (bằng 3,04% kế hoạch), một số ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất chưa đúng quy định 1,75 tỷ đồng.

NHNN cũng chưa xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng, chưa can thiệp kịp thời để bình ổn thị trường vàng theo quy định. Trong khi, công tác phối hợp cung cấp thông tin, số liệu của các bộ, ngành liên quan cho NHNN để phục vụ việc xây dựng Báo cáo dự báo cán cân thanh toán quốc tế còn hạn chế qua nhiều năm nhưng chưa được xử lý.

Đầu tư tài chính không hiệu quả

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. 

Cụ thể, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) chưa thu hồi được khoản tiền gửi 330 tỷ đồng tại CTCP Tài chính Handico.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có Công ty Cho thuê tài chính I - Agribank (ALCI) lỗ lũy kế tại 31/12/2023 là 783,1 tỷ đồng, Agribank đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính 100% số tiền 172,08 tỷ đồng.

Công ty Cho thuê tài chính II - Agribank (ALCII) đã bị tuyên bố phá sản, chấm dứt hoạt động, trong khi Agribank đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính 100% số tiền hơn 294,4 tỷ đồng tại ALCII.

Khoản đầu tư 10 tỷ đồng vào CTCP Vận tải Vinaconex, nhưng công ty này đã ngừng hoạt động từ năm 2015, Agribank cũng trích lập dự phòng đầu tư tài chính 100%.

Kết quả kiểm toán tại một số ngân hàng cho thấy việc phân loại nhóm nợ còn chưa chính xác.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Co-opBank giảm dư nợ nhóm 1 là 15,4 tỷ đồng, nhóm 3 là 0,09 tỷ đồng, nhóm 4 là 0,18 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 13,41 tỷ đồng, nhóm 5 là 2,26 tỷ đồng.

Tại Vietcombank giảm dư nợ nhóm 1 là 24,06 tỷ đồng, nhóm 2 là 138,38 tỷ đồng, nhóm 4 là 57,15 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 3 là 84,51 tỷ đồng, nhóm 5 là 135,08 tỷ đồng.

Ở Agribank giảm dư nợ nhóm 1 là 682,98 tỷ đồng, nhóm 2 là 31,09 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 3 là 203,41 tỷ đồng, nhóm 4 là 283,29 tỷ đồng, nhóm 5 là 227,37 tỷ đồng.

Tương tự, việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác. Kết quả kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí dự phòng rủi ro tại Agribank 51,72 tỷ đồng; giảm chi phí dự phòng tại Vietcombank 1,87 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn có sai sót về trình tự, thủ tục cho vay. Điển hình, việc thẩm định sơ sài, định kỳ chưa đánh giá lại tài sản bảo đảm, thiếu chứng từ giải ngân/tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn; kiểm tra, giám sát sau cho vay cũng chưa đầy đủ...

“Đáng chú ý, Công ty CP Chứng khoán Agribank còn sử dụng vốn vay ngân hàng để mua chứng chỉ tiền gửi không đúng quy định”, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, vẫn còn tồn tại tình trạng các trường hợp cho vay giải quyết việc làm không đúng đối tượng, cho vay vượt hạn mức, hỗ trợ lãi suất chưa đúng quy định. Một số chi nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh cao so với bình quân toàn hệ thống.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn