Kiểm chứng bức ảnh Iran trói gián điệp Israel trên tên lửa

Một bức ảnh mờ dường như chụp lại cảnh một người đàn ông bị trói trên một tên lửa có dán cờ Iran đang lan truyền trên mạng xã hội, với thông tin đây là cách Iran xử tử gián điệp.
Ngày 16-6, một tài khoản có dấu tick xanh trên mạng xã hội X đã chia sẻ một hình ảnh kèm chú thích "Truyền thông Iran công bố cách xử tử một điệp viên Mossad theo cách này". Bài viết đã được đăng lại hơn 6.000 lần trên mạng xã hội.
Hình ảnh trong bài đăng khá mờ, dường như cho thấy cảnh một người đàn ông đang bị trói trên một quả tên lửa có dán cờ Iran.
Thông tin nói trên xuất hiện trên mạng xã hội, sau khi truyền thông Iran đưa tin rằng cảnh sát nước này đã bắt giữ hai người liên quan đến cơ quan tình báo Mossad của Israel vào ngày 15-6, thời điểm cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa hai nước đang diễn ra.
Các vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh giao tranh dữ dội giữa Iran và Israel, bắt đầu bằng các cuộc không kích ngày 13-6 của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran. Iran đã đáp trả bằng tên lửa và máy bay không người lái. Sau khi phát hiện sự thâm nhập sâu rộng của tình báo Israel, Iran cũng mở chiến dịch lớn để săn lùng gián điệp Israel.
Theo tổ chức phi chính phủ Nhân quyền Iran, sáu người đàn ông đã bị treo cổ hoặc buộc tội làm gián điệp cho Israel kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.
Bên cạnh đó, hàng chục người cũng bị buộc các tội danh khác và hơn 1.000 người bị bắt trong hoặc sau cuộc xung đột với các cáo buộc liên quan đến chiến tranh.
Lệnh ngừng bắn giữa Iran và Israel có hiệu lực từ ngày 24-6, song cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người tại Iran và ít nhất 28 người tại Israel.
Các bài đăng tương tự kèm hình ảnh nói trên cũng xuất hiện trên các mạng xã hội X, Facebook bằng tiếng Anh, tiếng Bengal và tiếng Ả Rập và xuất hiện trên YouTube.
Ngày 11-7, các chuyên gia kiểm chứng tin tức của AFP cho biết mặc dù một số người dùng có thể xác định hình ảnh này do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, song vẫn có nhiều người khác tin rằng đây là ảnh thật.
AFP cho biết không có thông tin chính thức nào về việc Iran trói người trên tên lửa. Việc tìm kiếm ảnh ngược trên Google về hình ảnh đang lan truyền đã đưa các chuyên gia AFP đến một phiên bản chất lượng hơn trên Facebook, giúp họ xác định rõ thứ dán trên tên lửa không phải cờ Iran.
Ngoài ra, phần đầu của người đàn ông trong ảnh cũng bị biến dạng trong khi lan can chỗ bệ phóng tên lửa cũng trông lộn xộn. Dù công nghệ AI tiến bộ, song những lỗi như vậy vẫn là cách tốt nhất để phân biệt giữa ảnh thật và ảnh do AI tạo ra.
Tóm lại, bức ảnh chụp cảnh một người đàn ông bị trói trên tên lửa trong các bài đăng trên mạng xã hội là sản phẩm của AI.