Nhảy đến nội dung

Không sáp nhập với tỉnh thành nào, Huế được và mất gì?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, nếu Huế không mở thêm được những không gian phát triển mới thì chắc chắn sẽ bị tụt lại so với các địa phương khác sau sáp nhập.

Huế được và mất gì khi không sáp nhập?

* TP Huế là một trong 11 địa phương không thuộc diện sáp nhập với các tỉnh thành khác. Vậy theo ông, Huế sẽ được và mất gì khi giữ nguyên?

- Điều này có 2 mặt, việc không sáp nhập sẽ tạo điều kiện cho Huế tập trung phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của mảnh đất cố đô. Bản sắc văn hóa ấy sẽ không bị lai tạp, không bị những yếu tố ngoại vi hòa trộn.

Tất nhiên nhược điểm là không được bổ sung thêm những năng lực mới để phát triển. Giả dụ trường hợp Huế sáp nhập với Quảng Trị thì vùng đất này sẽ có rất nhiều thế mạnh như có trục đường 9 nối cửa ngõ phía tây thông thương qua Lào, có vùng đất bazan màu mỡ ở phía tây…

Giữ gìn văn hóa, bản sắc nhưng vẫn cần mở rộng không gian phát triển 

Việc sáp nhập sẽ mở ra một không gian phát triển mới, bổ sung thêm những năng lực mới và điều này là cái rất quý cho từng tỉnh, thành. Nhưng khi Huế không sáp nhập, không được bổ sung năng lực phát triển mới thì Huế sẽ giữ được những bản chất văn hóa đặc trưng của mình, từ đó phát huy giá trị.

* Vậy vấn đề đặt ra là Huế sẽ phải làm gì để phát triển trong giai đoạn mới, khi xung quanh ai cũng mạnh lên sau khi sáp nhập, thưa ông?

- Vấn đề đặt ra với Huế là bây giờ phải có một chiến lược để cùng lúc làm 2 việc. Một là gìn giữ và phát huy bản sắc Huế. Hai là Huế phải tự tạo ra những hành lang phát triển dựa trên nội lực sẵn có. Nếu dừng lại, không mở ra những không gian phát triển mới thì Huế sẽ bị chậm lại, trong khi tất cả các nơi khác đều có những không gian phát triển mới, có thị trường mới.

Huế bây giờ chỉ có thị trường tiêu dùng nội tỉnh khoảng 1,2 triệu dân, trong khi Quảng Bình và Quảng Trị đã có thị trường mới hơn 1,8 triệu dân. Hay Đà Nẵng, từ một thành phố có khoảng 1,2 triệu dân ngang với Huế thì nay họ đã có 3 triệu dân.

Huế cần phát triển kinh tế biển

* Theo ông, chiến lược đó là gì?

- Theo tôi, việc sắp xếp lại phường, xã, bỏ cấp huyện cũng sẽ tạo cho Huế một không gian phát triển đô thị mới mà chính quyền cần phải khai thác tối đa. Sau đợt sắp xếp này, với quy mô 21 phường và 19 xã mới nhưng thực chất Huế sẽ mở rộng không gian đô thị mới còn mạnh hơn đợt vừa rồi, khi địa phương sáp nhập để đạt tiêu chuẩn từ tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhìn lên bản đồ, vùng ven biển và đầm phá của Huế đã trở thành các phường, xã rộng lớn và trực thuộc thành phố. Nếu soi về tiêu chuẩn thì đây chưa phải là những khu vực đô thị, nhưng với cơ chế mới thì những vùng đất này sẽ được hưởng những chính sách, mở ra một cơ hội cho Huế phát triển kinh tế biển.

Về tương lai, sau khi cầu vượt cửa biển Thuận An hoàn thành sẽ nối liền vùng ven biển, đầm phá của Huế thành một dải. Khu vực này mở ra những cơ hội để tạo thành các khu đô thị biển đẳng cấp.

Yếu tố thứ 2 là những quy hoạch phát triển Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay gần như không thay đổi do sáp nhập. Đây là lợi thế cho Huế, vấn đề là chúng ta phải thực hiện những quy hoạch này thế nào?

Hiện nay Huế có 3 không gian phát triển theo chiều dọc dựa trên 3 tuyến đường theo hướng Bắc - Nam là quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh phía Tây.

Để tạo ra lợi thế mới, Huế cần có chiến lược phát triển dựa trên những hành lang phát triển theo chiều ngang, tạo ra những tuyến đường kết nối các cảng biển của Huế (cảng Thuận An, cảng Chân Mây) với các cửa khẩu, khu kinh tế thông thương qua Lào ở phía tây (cửa khẩu Hồng Vân, cửa khẩu A Đớt).

Nếu có chiến lược, Huế sẽ không bị bó mình trong không gian hẹp và vẫn khai thác tốt các thế mạnh của mình để phát triển.

Còn về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Huế, như đại diện UNESCO đã nói, văn hóa Huế phải luôn luôn mới. Vì sao văn hóa Huế rất đặc trưng, ai cũng công nhận nhưng người ta thường ít chọn ghé Huế hơn so với các nơi khác là bởi ngoài nhu cầu tìm hiểu văn hóa thì chúng ta còn có nhu cầu thưởng thức, khám phá cái mới lạ.

Huế phải bổ sung nhiều điểm vui chơi, điểm trải nghiệm, nghỉ dưỡng để thu hút, tôn lên vẻ đẹp cố đô "chẳng nơi nào có được".

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn