Không phải các dự án công nghiệp, sản xuất - đây mới là hạ tầng đang được xây dựng mạnh nhất ở Đông Nam Á

Thị trường trung tâm dữ liệu đã vượt qua các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và phân phối để trở thành lĩnh vực xây dựng hoạt động mạnh nhất tại Đông Nam Á
Ngành xây dựng Đông Nam Á đang thể hiện sự kiên cường và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ bất chấp những khó khăn kinh tế toàn cầu và bất ổn địa chính trị, theo báo cáo được công bố hôm nay bởi Turner & Townsend, một công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu.
Báo cáo Thị trường Xây dựng Toàn cầu 2025 (Global Construction Market Intelligence Report - GCMI), phân tích chi phí xây dựng tại 99 thị trường trên toàn thế giới, nhấn mạnh tính cạnh tranh của Đông Nam Á trong bối cảnh thị trường biến động.
Dù chi phí tại một số khu vực đang tăng, Đông Nam Á đang chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu cơ sở hạ tầng thiết yếu như trung tâm dữ liệu, cùng với sự dịch chuyển mạnh mẽ sang các phương pháp xây dựng bền vững. Những yếu tố này định vị Đông Nam Á như một điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực xây dựng.
“Chúng tôi nhận thấy những xu hướng năng động tại Đông Nam Á, nơi các thị trường không chỉ ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu mà còn chủ động nắm bắt cơ hội tăng trưởng thông qua việc điều chỉnh chi phí và nhu cầu,” ông Brian Shuptrine, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á, Turner & Townsend, chia sẻ. “Cam kết của khu vực với chuyển đổi số và phát triển bền vững, cùng với lợi thế chiến lược từ xu hướng nearshoring, đang định hình lại lĩnh vực xây dựng. Điều này mang lại cơ hội lớn cho các khách hàng đầu tư vào tài sản bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu đang mở rộng nhanh chóng và sản xuất tiên tiến.”
Theo báo cáo, Singapore vẫn là một trong những thị trường xây dựng đắt đỏ nhất Đông Nam Á, với chi phí xây dựng trung bình tại thành phố này là 3.104 USD/m² và dự báo lạm phát chi phí xây dựng 3,4% vào năm 2025 và 5,0% vào năm 2026. Mặc dù chi phí cao, hoạt động xây dựng vẫn rất sôi nổi, với tổng giá trị hợp đồng được ký trong bốn tháng đầu năm 2025 cao hơn khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với những hạn chế về năng lực nhà thầu và thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực MEP, cùng với những thách thức ngày càng lớn về quản lý chất thải khi chi phí xử lý tăng và quy định về xây dựng bền vững ngày càng nghiêm ngặt hơn. Những áp lực này đang khuyến khích sự quan tâm đến các mô hình hợp tác giúp các bên liên quan thống nhất sớm, giảm thiểu rủi ro dự án và tăng tính bảo đảm về chi phí và tiến độ.
Ngược lại, các thị trường như Kuala Lumpur (1.354 USD/m²), Hà Nội (1.147 USD/m²) và Thành phố Hồ Chí Minh (1.168 USD/m²) có chi phí thấp hơn đáng kể, tạo điều kiện cho tăng trưởng và các cơ hội đầu tư trong thời gian .
Trong khi đó, ngành xây dựng Malaysia được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ vào các công trình cơ sở hạ tầng công cộng, bao gồm các dự án lớn như tuyến tàu điện MRT3 Circle Line và Penang LRT. Các dự án tư nhân cũng đang tăng tốc, với nhu cầu mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng số như trung tâm dữ liệu, thu hút dòng vốn lớn từ các công ty công nghệ hàng đầu.
Mặc dù chi phí tại Kuala Lumpur vẫn ở mức thấp (1.354 USD/m²), việc mở rộng Thuế Bán hàng và Dịch vụ (SST) áp dụng cho tất cả dịch vụ công trình xây dựng, trừ nhà ở và các cơ sở công cộng liên quan, đã tạo ra áp lực mới trong ngành, làm tăng chi phí dự án và thu hẹp biên lợi nhuận.
Để ứng phó, ngành xây dựng đang chuyển hướng sang các giải pháp điện tử và mô hình hợp tác mới để bảo vệ lợi nhuận, quản lý rủi ro và duy trì tính cạnh tranh. Các mối quan tâm về bền vững, như giảm hàm lượng cacbon trong vật liệu, cũng bắt đầu ảnh hưởng đến cách quy hoạch và mua bán dự án, báo hiệu sự chuyển đổi của Malaysia sang các phương pháp xây dựng xanh.
Jakarta vẫn là một trong những thị trường xây dựng cạnh tranh nhất về chi phí trong khu vực, với mức chi phí 943 USD/m² và tốc độ tăng chi phí ổn định ở mức 3,0%. Dù thị trường đang dần lấy lại đà tăng trưởng, hoạt động chủ yếu được thúc đẩy bởi sự ổn định trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu khi nền kinh tế số của Indonesia tiếp tục mở rộng. Các nhà phát triển nội địa đang cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn với các dự án mới, ưu tiên các dịch vụ cốt lõi trong khi cẩn trọng điều hướng các điều kiện kinh tế và cân nhắc chi phí.
Đáng chú ý, các nhà thầu địa phương đang giành được những dự án trung tâm dữ liệu quy mô lớn, một dấu hiệu tích cực cho thấy năng lực và tính cạnh tranh của thị trường đang tăng lên. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn đối mặt với áp lực đáng kể về chi phí và tính sẵn có của vật liệu nhập khẩu, do sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao cho dự án lớn, điều này có thể gây áp lực cho ngân sách.
Thiếu hụt lao động chuyên môn vẫn là mối quan ngại chính trong khu vực
Khảo sát GCMI cho thấy 90,9% thị trường châu Á, bao gồm Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt lao động MEP. Trong khi nguồn cung lao động phổ thông tại Việt Nam và Indonesia tương đối ổn định, nhu cầu về lao động chuyên môn và các chuyên gia có kỹ năng xanh đang vượt xa nguồn cung, nhấn mạnh cần đầu tư vào đào tạo và phát triển lực lượng lao động địa phương.
“Chi phí vẫn là yếu tố quan trọng tại Đông Nam Á, nhưng trọng tâm ngày càng chuyển sang giá trị, tính hiệu quả và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Sự dồi dào của vật liệu, đặc biệt từ Trung Quốc, mang lại cơ hội để thực hiện dự án nhanh hơn và rẻ hơn ở một số thị trường. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động chuyên môn, đặc biệt trong các lĩnh vực MEP, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư chiến lược vào phát triển lực lượng lao động địa phương và các phương pháp xây dựng đổi mới để giảm thiểu các nút thắt tiềm ẩn và đảm bảo thành công cho dự án,” ông Sumit Mukherjee, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á và Trưởng phòng Bất động sản châu Á, Turner & Townsend, chia sẻ.
Trung tâm dữ liệu là lĩnh vực xây dựng hàng đầu tại Đông Nam Á
Báo cáo cũng chỉ ra rằng thị trường trung tâm dữ liệu đã vượt qua các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và phân phối để trở thành lĩnh vực xây dựng hoạt động mạnh nhất tại Đông Nam Á, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng số từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và siêu quy mô (hyperscalers), cùng với sự quan tâm ngày càng lớn đến các cơ sở bền vững, hiệu suất cao.
Hoạt động của các doanh nghiệp thuê bất động sản cũng đã phục hồi đáng kể, trong khi các dự án phát triển khách sạn, dịch vụ, thể thao và giải trí đang chứng kiến sự tăng trưởng nhẹ khi ngành du lịch và giải trí dần hồi phục.
Ở Đông Nam Á, xu hướng nearshoring, hay xu hướng dịch chuyển sản xuất về gần thị trường tiêu thụ, và nhu cầu về các cơ sở sản xuất tiên tiến là những động lực chính thúc đẩy hoạt động xây dựng. Sắp tới, các thị trường như Việt Nam và Malaysia có thể tận dụng nguồn cung vật liệu dư thừa của Trung Quốc bị chuyển hướng từ Mỹ nếu các biện pháp thuế quan tiếp tục. Diễn biến này có thể giúp đẩy nhanh tiến độ, quản lý chi phí và tăng năng lực sản xuất trong nước. Tuy nhiên các thay đổi chính sách thương mại gần đây tại Malaysia, bao gồm thuế chống bán phá giá, tạo ra sự bất ổn về chi phí và chuỗi cung ứng.
Turner & Townsend khuyên khách hàng đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động nội địa và tăng cường chuỗi cung ứng địa phương để giảm thiểu rủi ro, cải thiện kiểm soát chi phí và tăng tính hiệu quả, để tận dụng tối đa các cơ hội và tiềm năng tăng trưởng sắp tới ở Đông Nam Á.