Không gián đoạn chấm thi sau sáp nhập, đặt quyền lợi thí sinh lên hàng đầu

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu không để đứt gãy, gián đoạn việc chấm thi do sáp nhập đơn vị hành chính.
Ngày 2-7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra việc chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại tỉnh Bắc Ninh.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tỉnh Bắc Ninh sau sáp nhập có khoảng 43.700 thí sinh dự thi, chiếm nhiều nhất là sĩ tử thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (hơn 98%).
Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh Bạch Đăng Khoa lấy ví dụ một khu vực chấm thi ở phường Bắc Giang đã bố trí các phòng chấm thi tự luận, trắc nghiệm, bảo quản bài thi hay làm việc của ban thư ký riêng biệt.
Các nơi này đều có camera an ninh, giám sát và ghi lại toàn bộ hoạt động 24/24h. Bên cạnh nhân sự ngành giáo dục, các lực lượng công an, y tế, bảo vệ, phục vụ cũng được tập huấn cụ thể.
Hội đồng thi đã lên các phương án dự phòng bất thường như phòng cháy chữa cháy, đảm bảo hệ thống mạng cục bộ, hoạt động của hệ thống trang thiết bị điện tử (máy chủ, máy in, máy quét bài thi…). Tủ chứa bài thi, thùng chứa bài thi đều được khóa, niêm phong theo quy định.
Dự kiến, Bắc Ninh sẽ hoàn thành chấm bài thi tự luận vào ngày 7-7, trắc nghiệm vào ngày 10-7 và công bố điểm chung của cả tỉnh theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi nghe báo cáo, GS Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - nhắc nhở rằng quá trình chấm thi phải cẩn trọng, đảm bảo chính xác, nhất là khi có hai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 2006.
Tuyệt đối an toàn, bảo mật thông tin, nhất là trước thời điểm công bố điểm chính thức. Việc nhập điểm thi phải chính xác, tránh sai sót, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng gửi lời chúc sức khỏe tới các cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tại các điểm chấm thi và đánh giá cao lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trong tham mưu UBND tỉnh kiện toàn ban chỉ đạo, ban chấm thi khi sắp xếp đơn vị hành chính.
"Cán bộ chấm thi phải đảm bảo tính công bằng, đánh giá đúng thực chất kết quả làm bài và ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của học sinh để cho điểm. Tinh thần là đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu", ông Thưởng bày tỏ.