Không để tái diễn việc yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp với dữ liệu

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Bộ sẽ kiên quyết không để tái diễn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp với dữ liệu đã có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai…
Ngày 14/7, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị sơ kết Kết quả hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH,CN,ĐMST và CĐS) 6 tháng đầu năm 2025.
Ngày 1/3/2025, Bộ KH&CN chính thức hoạt động theo mô hình tổ chức mới sau hợp nhất hai cơ quan cấp Bộ, đánh dấu bước chuyển có tính lịch sử trong cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước. Hợp nhất không chỉ là sáp nhập tổ chức, mà là quá trình tái cấu trúc toàn diện: từ cơ chế điều hành, chức năng nhiệm vụ, đến văn hóa tổ chức và mô hình quản trị. Bộ KH&CN mới được định vị là cơ quan chủ lực dẫn dắt 4 trụ cột then chốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ngay trong Quý 1/2025, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; giảm số đơn vị trực thuộc Bộ từ 42 xuống còn 25 (giảm 40,5%) và ban hành 49 quyết định nội bộ về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thành phần.
Đồng thời, hoàn tất chuyển giao các lĩnh vực không thuộc phạm vi quản lý về đúng bộ/ngành chuyên trách gồm: báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, an toàn thông tin và thanh tra. Mô hình tổ chức mới được thiết kế tinh gọn, hiện đại, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi mới của đất nước, lấy hiệu quả và phục vụ người dân - doanh nghiệp làm trung tâm.
Phát biểu tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Xây dựng thể chế là khâu then chốt, có tính chất dẫn dắt, tạo nền tảng cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh thể chế cho KHCN, ĐMST và CĐS đang tương đối rời rạc giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương và địa phương, Bộ KH&CN cần là đơn vị đóng vai trò thiết kế tổng thể, như một tổng công trình sư về thể chế, rà soát cập nhật các nội dung đã lỗi thời, bổ sung các mảnh ghép còn thiếu để kết nối thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao trùm toàn diện. Trong 6 tháng đầu năm 2025 vừa qua, Bộ KH&CN trình Quốc hội thông qua 5 dự án Luật. Trong 6 tháng cuối năm, bộ sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ sinh thái thể chế cho KHCN, ĐMST và CĐS với 4 dự án luật gồm: - Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ cao, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Chuyển đổi số”.
Đề cập đến vấn đề triển khai dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, sẽ rà soát và kiên quyết không để tái diễn tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp với dữ liệu đã có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, hộ tịch, đất đai, bảo hiểm, tránh phát sinh chi phí và thời gian không cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để cắt giảm thành phần hồ sơ trên cơ sở dữ liệu sẵn có, hoàn thành trước ngày 20/7/2025. Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các địa phương rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa và cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến) thuộc phạm vi quản lý thực hiện tại 2 cấp chính quyền địa phương theo mô hình triển khai tập trung, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 1/1/2026.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, lĩnh vực khoa học, đã có 42 chương trình KH&CN quốc gia đang được triển khai, kết nối nghiên cứu – sản xuất, ứng dụng thực tiễn. Đối với lĩnh vực chuyển đổi số đã có 630 triệu giao dịch trên nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt 73% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình gần 40%, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công.
Thống kê của Bộ KH&CN cho biết, hiện hơn 75.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động ổn định. Lĩnh vực viễn Bưu chính – Viễn thông tăng trưởng mạnh: doanh thu tăng 12,8%, tốc độ mạng dẫn đầu khu vực, IPv6 đạt 65% – vào top 10 thế giới. Kinh tế số của Việt Nam chiếm 18,72% GDP, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó kinh tế số lõi đạt 8,63%.