Nhảy đến nội dung
 

'Không để miễn học phí nhưng lại phát sinh nhiều khoản thu khác'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà đề nghị kiểm soát các khoản thu khác khi áp dụng miễn học phí, tránh miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ dự thảo nghị quyết về miễn học phí cho học sinh từ mầm non tới trung học phổ thông cả nước từ năm học 2025 - 2026, chiều 22.5.

Bày tỏ ủng hộ chủ trương miễn học phí cho học sinh công lập cả nước, đồng thời hỗ trợ học phí với học sinh tại các trường tư thục, dân lập (với mầm non), đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn chặt chẽ về danh mục và mức trần các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường, kèm theo cơ chế giám sát bởi phụ huynh và chính quyền địa phương.

"Tránh lợi dụng lạm thu các khoản thu khác kể cả trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh", bà Hà nói, và cho rằng như vậy mới đảm bảo học sinh được hưởng chính sách thực chất. "Chứ không phải miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác", bà Hà nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng đề nghị làm rõ mức độ và cơ chế "hỗ trợ học phí" đối với cơ sở ngoài công lập. Theo đại biểu, dự thảo nghị quyết mới dừng ở nguyên tắc hỗ trợ, nhưng chưa nêu chi tiết hỗ trợ mức nào và bằng hình thức gì.

Bà Hà phân tích, nếu Nhà nước hỗ trợ, có thể hiểu là ngân sách sẽ cấp một khoản tiền để bù đắp một phần hoặc toàn bộ học phí mà lẽ ra học sinh phải đóng cho trường tư thục, dân lập. Tuy nhiên, thực tế học phí tại các trường ngoài công lập rất đa dạng và cao hơn so với công lập.

Từ đó, bà Hà đề nghị nghị quyết giao Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập. Có thể quy định mức hỗ trợ không thấp hơn mức trần học phí công lập tại địa phương hoặc mức ngân sách nhà nước chi bình quân cho một học sinh công lập.

Cùng đó, đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị cần làm rõ hình thức hỗ trợ là ngân sách sẽ cấp trực tiếp cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo số lượng học sinh, hay cấp cho địa phương, hay hoàn trả cho phụ huynh.

"Phương thức thực hiện minh bạch sẽ giúp tránh tiêu cực, đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng và mục đích", bà Hà nói.

Xác định rõ mức hỗ trợ học phí ngoài công lập, đảm bảo công bằng

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cho rằng, dự thảo mới chỉ giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ, mà chưa quy định rõ nguyên tắc hỗ trợ, tiêu chí xác định mức hỗ trợ, có thể dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa các địa phương.

Một số tỉnh có điều kiện ngân sách tốt sẽ hỗ trợ cao, trong khi các tỉnh khó khăn có thể hỗ trợ rất thấp hoặc không đủ nguồn lực thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Đại biểu đoàn Lào Cai đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc xác định mức hỗ trợ, bảo đảm tính công bằng, hợp lý và ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Về phương thức chi trả, bà Lan Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phương án chi trả trực tiếp cho học sinh khối ngoài công lập. 

"Tôi hơi băn khoăn một chút. Nếu cấp trực tiếp cho người học đối với thành phố thì rất thuận lợi, nhiều khi có thể chuyển khoản cho phụ huynh rất thuận lợi. Tuy nhiên, với những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số của chúng tôi thì thực sự gây khó khăn mà còn phát sinh thủ tục hành chính", đại biểu nêu.

Về kinh phí thực hiện chính sách miễn học phí, dự thảo nghị quyết quy định ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương chưa cân đối được ngân sách. Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, cần phải quy định rõ hơn để đảm bảo việc hỗ trợ công bằng giữa các địa phương.

Theo đó, bà đề nghị, đối với các tỉnh tự cân đối ngân sách thì giao HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết đặc thù với nguyên tắc không thấp hơn so với mức hỗ trợ cho học sinh công lập. 

Còn đối với những tỉnh chưa cân đối được ngân sách, khó khăn trong bố trí ngân sách, vẫn phụ thuộc vào ngân sách trung ương thì không phải ban hành nghị quyết đặc thù và trung ương sẽ quy định luôn vào trong nghị quyết này là trung ương sẽ chi trả.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội), cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Chính phủ cần tính toán cấp bù để đảm bảo nguồn cho các địa phương này để tránh trường hợp chính sách tốt nhưng không đủ nguồn lực thực hiện, dẫn đến chậm trễ hoặc không đồng đều trong triển khai.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn