Không chiến nảy lửa, Ấn Độ hoàn toàn bất ngờ, mất liền 5 tiêm kích hiện đại: Không quân Pakistan ra đòn cực hiểm, Ấn Độ vô phương chống đỡ

(Dân trí) - Pakistan tuyên bố 42 chiến đấu cơ của họ đã giao tranh với 72 tiêm kích Ấn Độ, bắn hạ 5 máy bay đối phương, trong đó có 3 chiếc Rafale, 1 Su-30MKI Flanker và 1 MiG-29 Fulcrum.
Không chiến nảy lửa: 42 đấu 72
The War Zone cho biết, tại một cuộc họp báo hôm 9/5, giới chức Pakistan cho biết các chiến đấu cơ không quân nước này gồm J-10C và JF-17 do Trung Quốc sản xuất, cũng như F-16 Viper do Mỹ chế tạo, tham gia vào cuộc không chiến với máy bay tiêm kích Ấn Độ vào rạng sáng 7/5.
Chính quyền Pakistan tuyên bố 42 chiến đấu cơ của họ giao tranh với 72 máy bay phản lực Ấn Độ, bắn rơi 5 máy bay đối phương, trong đó có 3 chiếc Rafale do Pháp sản xuất, 1 Su-30MKI Flanker và 1 MiG-29 Fulcrum do Nga sản xuất cùng 1 máy bay không người lái trong trận không chiến này.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar tiết lộ, hôm 7/5, Không quân Pakistan (PAF) bắn rơi thành công 5 máy bay chiến đấu Không quân Ấn Độ (IAF), trong đó máy bay chiến đấu J-10C do Trung Quốc chế tạo lập công lớn, tiêu diệt 3 chiếc Rafale hiện đại bằng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn PL-15E.
"Chúng tôi hoàn toàn có thể bắn rơi tới 10 hoặc 12 máy bay. Nhưng có một lệnh nghiêm ngặt, chỉ tấn công những máy bay đã khai hỏa", ông nói và nhấn mạnh những mục tiêu còn lại không bị truy kích, nguyên nhân là kiềm chế không để chiến sự bùng nổ toàn diện.
Các tuyên bố từ phía Pakistan phần lớn vẫn chưa được chứng minh. Giới chức Pakistan cũng công bố dữ liệu radar và bản ghi âm, nhưng chúng không thể dễ dàng được xác minh độc lập.
Tuy nhiên, có bằng chứng trực quan cho thấy ít nhất một trong những chiếc Rafale đã bị bắn hạ. Hiện cũng có nhiều báo cáo về tổn thất của Ấn Độ, trích dẫn các quan chức Mỹ, Pháp và Ấn Độ giấu tên, nhưng họ không nêu số lượng và hoàn cảnh chính xác.
Pakistan cũng phủ nhận việc mất bất kỳ máy bay nào để bác bỏ các tuyên bố từ phía Ấn Độ.
Ấn Độ bị bất ngờ
Một số nguồn tin Pakistan cho biết, toàn bộ các máy bay chiến đấu Ấn Độ đều bị bắn rơi trong trạng thái vừa cất cánh khỏi sân bay, còn đang trong không phận nước này và chưa kịp tiếp cận mục tiêu đối phương.
Các chiến đấu cơ Pakistan - cũng đang trong không phận của họ - ra tay trước, hạ 5 chiếc tiêm kích của đối phương bằng tên lửa PL-15E do Trung Quốc sản xuất.
Phía Ấn Độ cũng tìm thấy những mảnh vỡ còn lại của ít nhất 2 tên lửa PL-15E có mã hiệu liên tiếp nhau trong lãnh thổ của họ, điều này cho thấy khả năng trong cuộc không chiến đó, các máy bay của Pakistan đã nhanh chóng khóa mục tiêu và xả hết số tên lửa mang theo, dẫn tới có những tên lửa không tìm thấy mục tiêu do mất mục tiêu và dẫn tới tự hủy.
Tầm bắn 200km của PL-15E cộng với mạng lưới radar phòng không rất mạnh của Pakistan đang là vấn đề lớn với Ấn Độ.
Nếu thông tin về việc các chiến đấu cơ Ấn Độ bị bắn rơi ngay khi vừa cất cánh là đúng thì quả thật Pakistan đã tung đòn hiểm hóc khiến đối phương hoàn toàn bất ngờ, không kịp trở tay.
Bởi lẽ, trong lịch sử các cuộc không chiến hiện đại, có rất nhiều chiến lệ cho thấy đòn tập kích nhằm vào những máy bay vừa cất cánh khỏi đường băng luôn có tỷ lệ thành công rất cao vì lúc đó chúng đang ở tốc độ thấp, khả năng cơ động né tránh rất hạn chế nên việc bị bắn hạ là hoàn toàn hợp logic.
Vì thế, để ngăn chặn máy bay của mình bị đối phương tập kích ngay tại đỉnh sân bay (tức là vùng trời ngay phía trên sân bay) các nước thường bố trí lực lượng phòng không dày đặc vừa để đánh chặn các đòn tập kích vào chính căn cứ không quân lại vừa ngăn chặn tiêm kích đối phương rình rập bám đuôi và bắn hạ những chiến đấu cơ vừa cất cánh.
Tuy nhiên, trận đánh rạng sáng 7/5 không phải là trận không chiến quần vòng giữa hai bên ngay trên đỉnh sân vì máy bay Ấn Độ và Pakistan đều đang hoạt động trong không phận của mình, chưa vượt sang bên kia biên giới của nước láng giềng.
Các chiến đấu cơ Pakistan khai hỏa từ xa, thậm chí có chiếc bắn tên lửa ở tầm tối đa, đôi khi lên tới 160km. Điều này cho thấy chiến thuật của họ rất hợp lý, các máy bay sau khi khai hỏa ồ ạt tên lửa xong liền thoát ly ngay lập tức khiến Ấn Độ không kịp trở tay và bắn trả vì mục tiêu đã biến mất khỏi màn hình radar.
Bị tập kích vào thời điểm vừa cất cánh thì cho dù là các máy bay tiêm kích hiện đại như Rafale, Su-30MKI hay MiG-29 cũng khó có cơ hội né tránh, do đó tổn thất là không thể tránh khỏi.
Dù vậy, thông tin do phía Pakistan tuyên bố không dễ kiểm chứng bởi toàn bộ máy bay bị bắn hạ (nếu có) đều rơi trong không phận Ấn Độ và New Dehli chính thức bác bỏ việc mất máy bay.