Nhảy đến nội dung

Khởi tố Nguyễn Thúc Thùy Tiên: Khi sự nổi tiếng không thể là vùng miễn trách nhiệm

"Danh tiếng không phải là tấm khiên chống đỡ cho sự thiếu trung thực. Một khi lòng tin đã mất, mọi hào quang cũng sụp đổ".

Ngày 19/5, Nguyễn Thúc Thùy Tiên chính thức bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lừa dối khách hàng". Theo cơ quan chức năng, Thuỳ Yieen là cổ đông góp 30% vốn trong sản phẩm kẹo rau củ Kera và được hưởng gần 7 tỷ đồng tiền hoa hồng. Dù biết rõ hàm lượng chất xơ trong sản phẩm rất thấp, không đúng công dụng như quảng cáo, cô vẫn cùng cộng sự đưa ra thông tin sai lệch để đánh lừa người tiêu dùng. Sau khi bị dư luận tranh cãi, Thuỳ Tiên đề xuất ký hợp đồng "hợp thức hoá" quảng cáo để tránh bị xem là cổ đông.

Cú ngã bất ngờ này không chỉ khiến dư luận bàng hoàng, mà còn phơi bày một thực tế đáng lo ngại: không ít người nổi tiếng đang bước vào lĩnh vực kinh doanh với tâm thế "làm thương hiệu kiếm lời", mà không hề trang bị nhận thức đầy đủ về trách nhiệm pháp lý, đạo đức nghề nghiệp và hậu quả với cộng đồng.

Phải chăng vì khi ánh đèn chiếu quá lâu vào một người, họ bắt đầu tin rằng mình không thể ngã?

Phải chăng trong thời đại của cái đẹp được định giá bằng lượt theo dõi, sự nổi tiếng được đếm bằng số hợp đồng quảng cáo, thì giá trị, niềm tin và đạo đức dễ bị bỏ lại phía sau?

Biến niềm tin thành công cụ thương mại và cái giá phải trả

Trước khi bị bắt, Thùy Tiên luôn phủ nhận việc có liên quan đến lợi nhuận của sản phẩm kẹo rau củ. Nàng hậu cho biết chỉ xuất hiện với vai trò gương mặt quảng cáo, trong một bản hợp đồng được cho là "hợp thức hóa" để lẩn tránh trách nhiệm pháp lý. Khi các chỉ trích về thành phần kẹo Kera nổ ra, thay vì minh bạch thừa nhận vai trò trong công ty, cô chọn cách im lặng, chối bỏ và né tránh.

Nhưng niềm tin công chúng không phải là tấm chiếu mới. Khán giả ngày nay đã có đủ sự tỉnh táo để nhận ra đâu là một người nổi tiếng thực sự trách nhiệm, và đâu là người đang lợi dụng hình ảnh để trục lợi từ những sản phẩm thiếu minh bạch.

"Người nổi tiếng không thể vừa ngồi trên bàn lợi nhuận, vừa đứng ngoài rủi ro của sản phẩm mình quảng bá"

Đó là điểm mấu chốt mà nhiều nghệ sĩ, KOL và influencer hiện nay cần phải nhìn lại. Khi bạn thu lợi trực tiếp từ một sản phẩm - thông qua vai trò cổ đông, đầu tư hoặc đồng sáng lập - bạn không còn là "gương mặt đại diện" nữa. Bạn là người kinh doanh. Và người kinh doanh thì không thể vô can.

Một video quảng cáo chỉ vài chục giây có thể khiến hàng ngàn người mua sản phẩm. Một câu nói dễ thương từ một người đẹp có thể thay thế cả giấy kiểm định. Nhưng khi niềm tin bị đánh đổi bằng một sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, thì hậu quả không chỉ nằm ở người bán mà còn lan ra những người tin.

Không phải scandal, mà là phạm tội!

Khác với những ồn ào đời tư thường thấy trong giới showbiz, vụ việc của Thùy Tiên có sự khác biệt về bản chất. Việc khởi tố không đến từ "drama mạng xã hội", mà là kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, dựa trên chứng cứ rõ ràng về việc cô đã đồng thuận che giấu vai trò thực sự, đưa ra thông tin sai lệch và thu lợi từ một sản phẩm có dấu hiệu gian dối với người tiêu dùng.

Với một Hoa hậu, việc bị bắt, bị kết tội là cú trượt đau đớn. Nó đi ngược hoàn toàn với những giá trị mà một Hoa hậu cần mang đến cho cộng đồng. Hoa hậu không chỉ đại diện cho nhan sắc, mà còn đại diện cho sự tin tưởng, cho một lý tưởng sống. Việc Thùy Tiên bị khởi tố không chỉ khiến hình ảnh cá nhân sụp đổ, mà còn khiến người ta đặt câu hỏi: "Danh hiệu có thực sự khiến người cầm nó trong tay có trách nhiệm với xã hội?". Và nếu không bị phát hiện, liệu sẽ còn bao nhiêu sản phẩm "kiểu Kera" nữa được tung ra thị trường với danh nghĩa "tốt cho sức khỏe", được chống lưng bởi các celeb và KOLs, nhưng thực chất là những món hàng được đánh bóng bởi niềm tin chứ không phải chất lượng?.

Thời đại hậu niềm tin: Khi công chúng đã thay đổi

Thế hệ công chúng hôm nay không còn dễ dãi như trước. Họ có kiến thức, công cụ kiểm chứng thông tin, và đặc biệt là sự nghi ngờ đủ lớn trước mọi hình ảnh hào nhoáng. Vụ việc của Thùy Tiên chỉ là một trong nhiều cú sập niềm tin gần đây với các sản phẩm "ăn theo người nổi tiếng".

Từ sữa giả, mỹ phẩm "thần thánh" đến kẹo rau củ, người nổi tiếng liên tục được nhìn thấy trong vai trò "chống lưng" cho các sản phẩm mang danh hiệu "tốt cho sức khỏe", nhưng thực tế lại là những sản phẩm thiếu kiểm chứng, thổi phồng công dụng hoặc chứa thành phần không rõ ràng.

Vấn đề không nằm ở việc họ quảng cáo. Vấn đề nằm ở chỗ: họ sử dụng uy tín cá nhân để gắn niềm tin vào những thứ mà chính họ cũng không thực sự hiểu - hoặc tệ hơn, biết rõ rủi ro nhưng vẫn làm.

Thùy Tiên từng được yêu mến bởi hình ảnh chỉn chu, thông minh, phong thái điềm tĩnh và trách nhiệm với cộng đồng. Nhưng cũng chính vì vậy, sự sụp đổ lần này mới trở nên đau đớn với nhiều người hâm mộ.

Khi người nổi tiếng coi danh tiếng là tài sản để đầu tư sinh lời thì họ cũng phải chấp nhận rằng tài sản đó có thể cháy rụi nếu họ thiếu trung thực. Và đó là điều mà các nghệ sĩ khác cần phải ghi nhớ. Công chúng có thể nâng bạn lên từ những điều phi thường nhỏ bé. Nhưng cũng chính công chúng sẽ nhìn thấy rõ ai đang thực sự sống đúng với điều mà họ tuyên ngôn, và ai chỉ đang diễn vai.

Ta không mong thấy thêm một Thùy Tiên nào nữa phải rơi vào hoàn cảnh này. Nhưng cũng không mong những người nổi tiếng khác xem đây là một "biến cố xui rủi". Bởi đây không phải là chuyện may rủi. Đây là kết quả của một chuỗi lựa chọn mà nếu không thay đổi cách nghĩ, rất nhiều người khác sẽ đi lại đúng con đường đó.

Làm người nổi tiếng chưa bao giờ là đặc quyền. Nó là một vai diễn mà sân khấu kéo dài suốt đời, không có cánh gà để lui vào. Khán giả không chỉ xem bạn khi tỏa sáng, mà còn nhìn cách bạn xử lý sai lầm, cách bạn đối diện với thất bại. Và quan trọng hơn cả, họ nhìn bạn vì họ từng tin bạn.

Một lời cảnh tỉnh!

Vụ việc Thùy Tiên là một bước ngoặt. Các cơ quan chức năng đang bắt đầu siết lại những lỗ hổng pháp lý quanh quảng cáo sai sự thật, và giới influencer sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Từ nay, không chỉ nhãn hàng, mà cả người đại diện hình ảnh cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu sản phẩm gây hậu quả cho người tiêu dùng. Và người nổi tiếng sẽ không còn được đứng ngoài câu chuyện đạo đức kinh doanh.

"Bạn không thể vừa là người hưởng lợi, vừa là người vô can" - sâu nói này nên được treo trong mọi phòng họp chiến lược sản phẩm có người nổi tiếng góp mặt. Trong thời đại mà uy tín cá nhân có thể chuyển hóa thành tiền, mọi hành vi liên quan đến sản phẩm - từ quảng bá, đầu tư cho đến bán hàng - đều cần được đặt dưới lăng kính trách nhiệm.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã không chỉ đánh mất sự nghiệp, mà còn đánh mất một hình ảnh từng rất đẹp trong lòng công chúng. Nhưng sâu xa hơn, vụ việc này là lời nhắc nhở cho toàn bộ hệ sinh thái giải trí - truyền thông - tiêu dùng: Danh tiếng không miễn trừ cho sự thiếu minh bạch. Và hào quang không phải là ánh sáng soi đường nếu người cầm đèn không đủ trung thực để đi thẳng.

Với những ai đang có danh tiếng trong tay, hãy coi đây là một bài học rất đắt, nhưng còn có giá trị. Hãy nhìn Thùy Tiên không chỉ bằng sự thương hại hay phán xét mà bằng sự cảnh tỉnh. Để từ đó, giữ mình kỹ hơn, chọn lọc kỹ hơn, và sống có trách nhiệm hơn với chính niềm tin mà khán giả đã gửi trao.

Bởi khi ánh đèn tắt đi, thứ còn lại không phải là vương miện hay tiền cát-xê. Mà là danh dự. Là giá trị. Và là cách mà người đời còn muốn nhớ về bạn.


 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn