Khoe thành tích trên mạng: Niềm tự hào của cha mẹ hay gánh nặng với trẻ?

"Con không muốn mẹ làm như thế đâu ạ!" - đây là lời bày tỏ chân thành của một học sinh lớp 7 khi thấy mẹ chia sẻ bảng điểm và thành tích học tập của em lên mạng xã hội.
Khi thể hiện với mẹ việc không muốn bảng điểm và thành tích học tập của mình xuất hiện trên mạng, cậu bé lớp 7 đã mạnh dạn viện dẫn Luật Trẻ em năm 2016 - theo đó, trẻ từ 7 tuổi trở lên có quyền được tham vấn trước khi cha mẹ công khai thông tin cá nhân hoặc hình ảnh lên mạng. Nếu không, hành vi này có thể bị coi là vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.
Câu chuyện được một phụ huynh kể lại vào cuối năm học, nhưng đã để lại trong tôi - một người giáo viên dạy tiếng Anh - nhiều suy nghĩ. Tôi trân trọng cách cậu học trò vận dụng kiến thức được học ở trường để bảo vệ quyền cá nhân của mình. Cậu còn nhắc đến thuật ngữ "sharenting" - sự kết hợp giữa "share" (chia sẻ) và "parenting" (nuôi dạy con) - một khái niệm đang được giảng dạy trong tiết tiếng Anh để nói về xu hướng cha mẹ chia sẻ quá nhiều thông tin, hình ảnh của con lên mạng.
Thực tế, việc khoe con học giỏi, con đạt giải thưởng, con thi đậu trường chuyên... đã trở thành một trào lưu quen thuộc trên Facebook, Zalo của nhiều bậc cha mẹ. Mục đích thì có vẻ chính đáng: lưu giữ kỷ niệm, chia sẻ niềm vui, truyền cảm hứng. Nhưng đôi khi, người lớn đã quên rằng trẻ em cũng có thế giới riêng và quyền được bảo vệ sự riêng tư đó.
Một người bạn của tôi có con trai rất giỏi, luôn đạt điểm cao, được dự nhiều cuộc thi và cả chương trình truyền hình. Hình ảnh thành tích của con liên tục được đăng tải và nhận về vô số lời tán dương. Nhưng chính sự nổi tiếng ấy dần trở thành áp lực vô hình. Để giữ "thương hiệu học giỏi", cậu bé lao đầu vào học, ít tham gia hoạt động nhóm, và hầu như không có kỳ nghỉ đúng nghĩa. Gần đây, con bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, chán nản và sa sút tinh thần. Bác sĩ chẩn đoán trẻ có biểu hiện trầm cảm do thiếu giao tiếp và kỹ năng sống - một hệ quả đáng lo từ việc bị đặt lên kỳ vọng quá lớn, và có lẽ cả từ sự "phơi bày" vô ý của cha mẹ trên mạng.
Sự nổi tiếng từ mạng xã hội có thể khiến trẻ dễ tự mãn, ảo tưởng về bản thân hoặc hành xử không phù hợp với bạn bè, thầy cô. Tâm lý bất ổn kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Vì vậy, trong thời đại số, khi thông tin cá nhân dễ dàng lan truyền, việc cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư và cảm xúc của con cái là điều hết sức cần thiết. Ngay cả khi con có năng lực vượt trội, thay vì biến con thành "thương hiệu" để khoe, cha mẹ nên đóng vai trò là người đồng hành, hướng dẫn con hiểu đúng về giá trị bản thân.
Không phải lúc nào trẻ cũng đủ từ ngữ hoặc dũng cảm để nói ra điều mình nghĩ. Cha mẹ cần học cách lắng nghe - thực sự lắng nghe - và giúp con hình thành khả năng phản biện, sự tự tin và bản lĩnh sống trong môi trường hiện đại.
Phụ huynh nên dừng lại một chút trước khi nhấn nút "chia sẻ". Đặt câu hỏi: Liệu con có đồng ý không, và Việc này có ích gì cho sự phát triển của con? Hành động nhỏ ấy chính là cách để cha mẹ trở thành những công dân số có trách nhiệm, không chỉ trong gia đình mà cả với xã hội.
Giáo dục hiện đại không chỉ là kiến thức trong sách vở, mà còn là sự thấu hiểu, đồng hành và tôn trọng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái. Khi xã hội phát triển, cách nuôi dạy con cũng cần thay đổi theo hướng tích cực - vừa phù hợp truyền thống, vừa không xa rời thực tiễn hội nhập.