Khoảng 10h đến 13h chiều nay, tâm bão sẽ đi vào đất liền Hưng Yên - Ninh Bình

Lúc 9h sáng nay, tâm bão số 3 cách Hưng Yên khoảng 10km về phía đông, cách Ninh Bình khoảng 25km về phía đông bắc.
6h50 sáng 22-7, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong sáng đến trưa nay 22-7, bão số 3 (Wipha) đổ bộ vào đất liền nam Hải Phòng, Hưng Yên và Ninh Bình với gió có thể mạnh cấp 9, giật cấp 11, 12. Sâu trong đất liền Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Theo ông Khiêm, từ đêm qua đến sáng nay, bão số 3 đang duy trì cường độ cấp 10 (88-103km/h) và di chuyển theo hướng tây tây nam (dọc biển Quảng Ninh về Hải Phòng, Hưng Yên) với tốc độ trung bình 10-15km.
Đến 8h, tâm bão số 3 nằm ngay trên vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình với cường độ cấp 9 (74-88km/h), giảm một cấp so với trước đó.
Ven biển Ninh Bình trời tạnh ráo, gió nhẹ
Đến 9h sáng 22-7 ghi nhật tại một số khu vực ven biển của tỉnh Ninh Bình cho thấy dù trời không hửng nắng nhưng tạnh ráo, gió nhẹ. Tại một số xã ven biển như: Giao Phúc, Giao Thủy, Giao Hòa, Hải Thịnh, Hải Xuân (tỉnh Nam Định trước đây),… trời tạnh ráo, gió nhẹ. Đường phố vắng vẻ hơn ngày thường và nhiều hàng quán đã đóng cửa để chống báo.
Chiều và tối qua, nhiều khu vực ven biển Ninh Bình có mưa lớn, kéo dài trong nhiều giờ.
Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Bình cho biết địa phương đã sớm hoàn tất mọi công việc chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 một cách chủ động. Đến 16h ngày 21-7, toàn bộ 1.861 tàu/5.724 lao động đã vào nơi neo đậu. Trong đó có 23 tàu neo đậu ngoài tỉnh đã lập danh sách cụ thể, liên lạc được từng tàu để hướng dẫn neo đậu.
Gần 800 lều, chòi tại vùng đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê, 45 cơ sở nuôi lồng bè trên các sông đã được thông báo và hướng dẫn tránh trú bão.
Ttheo báo cáo của Ban chỉ huy phòng thủ dân sự Ninh Bình, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 1.242 km đê các loại, trong đó có 75 trọng điểm phòng, chống lụt bão và 9 trọng điểm cũng đã chuẩn bị các tình huống ứng phó.
6h sáng 22-7, cường độ bão vẫn duy trì cấp 10, giật cấp 12-13
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong khoảng 10 đến 13h chiều nay, bão sẽ vào đất liền các tỉnh Hưng Yên - Ninh Bình với cường độ cấp 8-9, giật cấp 11.
"Ảnh hưởng của bão số 3 bắt đầu từ đêm qua, gió mạnh nhất ghi nhận trên đảo Bạch Long Vĩ mạnh cấp 10, giật cấp 12, còn ở đất liền ven biển ghi nhận gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 (Cửa Ông, Quảng Ninh).
Một số nơi đã có mưa to đến rất to, cục bộ có nơi mưa lên tới 200mm trong 24 giờ qua" - ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cho biết đến 6h sáng 22-7, cường độ bão vẫn duy trì cấp 10, giật cấp 12-13. Dự kiến 3-5 giờ tới (khoảng 9-10h trở đi) bão sẽ đổ bộ vào đất liền nam Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình. Tác động của mưa và gió mạnh sẽ tiếp tục trong sáng đến chiều nay.
"Chúng tôi nhấn mạnh trong 3-5 giờ tới, khi đổ bộ vào đất liền nam Hải Phòng, Hưng Yên và Ninh Bình với gió có thể mạnh cấp 9, giật cấp 11, 12. Sâu trong đất liền Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Ông Khiêm cũng cảnh báo hôm nay và ngày mai, hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng lượng mưa phổ biến 250-300mm, cục bộ có nơi lên tới 500mm, đặc biệt là ở Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.
Các khu vực khác Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 100-200mm.
"Với lượng mưa lớn như vậy, chúng tôi nhấn mạnh nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng, thấp, khu đô thị, khu công nghiệp cũng như sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi Nghệ An, Thanh Hóa, nam Phú Thọ, Sơn La" - ông Khiêm lưu ý.
Các phường Uông Bí, Vàng Danh (Quảng Ninh) mưa nhẹ
8h sáng, tại Uông Bí, Vàng Danh (tỉnh Quảng Ninh), gió tầm cấp 6, đường phố vắng vẻ vì người dân hạn chế ra đường. Mưa và gió từ tối qua gây ra một số điểm sạt lở nhỏ.
Tại các khu vực có nguy cơ sạt trượt, lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn, cắm biển cảnh báo và hướng dẫn người dân không di chuyển qua khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn trong thời điểm mưa bão.
Lúc 8h30, thông tin từ lãnh đạo chính quyền đặc khu Vân Đồn và Cô Tô, cho biết mưa và gió trên các đảo này đã giảm. Trên đảo Cô Tô hiện đang mưa nhỏ, gió cấp 6. Qua thống kê sơ bộ hiện chưa có thiệthại.
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm mất điện tại đặc khu Cô Tô từ tối 21-7. Sáng nay, các đơn vị chức năng đang xử lý sự cố để cấp điện trở lại.
Đảng ủy, UBND đặc khu đã triển khai máy phát điện dự phòng tại các địa điểm trọng yếu như trạm y tế, UBND và các điểm sơ tán, ứng trực xử lý tình huống.
Qua thống kê sơ bộ hiện chưa có thiệt hại do bão số 3 gây ra tại hai đảo này, gió lớn từ đêm 21-7 làm một số cây nhỏ bị bật gốc gãy đổ đã được lực lượng chức năng xử lý để thông đường, đảm bảo lưu thông cho các lực lượng chức năng và phương tiện cứu hộ.
Lúc 7h50, khu vực phường Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh) có mưa nhỏ, nhưng gió khá mạnh rít lên từng đợt, giật cấp 6 cấp 7.
Trên đường phố Hạ Long, một số cây xanh bật gốc, gãy đổ do gió lớn từ đêm 21-7
Từ 22h tối 21-7, do gió to ở mức cấp 7-8, lực lượng chức năng lập chốt chặn cấm xe máy và xe thô sơ đi qua cầu Bãi cháy.
Tuy nhiên từ sáng 22-7, gió giảm lệnh cấm được dỡ bỏ, xe cộ đã lưu thông bình thường trở lại.