Khổ sở xin xác nhận độc thân để mua bán nhà đất

Nếu hỏi "người dân hiện nay lo sợ nhất thủ tục hành chính nào?", câu trả lời có lẽ sẽ là: thủ tục nhà đất (làm sổ đỏ, chuyển nhượng, xin giấy phép xây dựng), thủ tục hộ tịch (đăng ký khai sinh, khai tử), và thủ tục bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế)... Thật vậy, ai từng trải qua các thủ tục này đều thấu hiểu sự phiền hà: xếp hàng chờ đợi, đi lại nhiều lần, giấy tờ thiếu thống nhất, và đôi khi là cảm giác bị "hành là chính".
Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các cơ quan hành chính nhà nước phải rà soát, cắt giảm ít nhất 30% số lượng thủ tục không cần thiết, không hợp lý hoặc gây phiền hà. Đích đến cuối cùng là tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và hiệu quả, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính không chỉ nằm trên giấy hay trong các văn bản chỉ đạo. Trên thực tế, nhiều thủ tục hành chính vẫn đang là nỗi ám ảnh của người dân – điều mà xã hội hiện nay quan tâm, thậm chí lo ngại.
Trong số các lĩnh vực, đất đai luôn là thủ tục phức tạp nhất, liên quan đến nhiều luật khác nhau như: dân sự, hôn nhân – gia đình, thừa kế, luật đất đai, quy hoạch... Thêm vào đó là các yếu tố lịch sử như nguồn gốc đất không rõ ràng, tranh chấp kéo dài, khiến nhiều cán bộ ngại xử lý vì sợ rủi ro pháp lý.
Vấn đề cốt lõi là nhiều thủ tục hành chính hiện được xây dựng từ góc nhìn quản lý - nhằm phòng ngừa rủi ro cho cơ quan, cán bộ - hơn là từ góc nhìn phục vụ người dân. Điều này dẫn đến các quy trình thiếu tính khách quan, xa rời thực tế và gây phiền hà không cần thiết.
>> Hành trình 10 ngày đóng tiền phạt nguội vi phạm giao thông
Ví dụ thực tế, khi tôi làm giấy tờ hợp thức hóa nhà đất, vì đất mua qua giấy tay từ nhiều chủ, cơ quan chức năng yêu cầu xác nhận người bán là độc thân, hoặc nếu có vợ hay chồng thì cả hai phải ký tên đồng ý bán. Ngoài ra, phần đất giáp ranh lối đi chung cũng phải có xác nhận từ phường... Những yêu cầu này, dù nghe có vẻ hợp lý về mặt quản lý, lại khiến tôi phải khổ sở đi lại nhiều lần để giải quyết, rất phiền phức.
Đặt tinh thần phục vụ người dân lên hàng đầu, thì mọi quy trình đều có thể đơn giản hóa. Khi người dân có đầy đủ chứng cứ khách quan chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp và ổn định, thì chính quyền phải có trách nhiệm cấp giấy, chứ không phải gây khó dễ.
Theo tôi, để cải cách hành chính hiệu quả, tư duy làm luật phải thay đổi. Cụ thể, cơ quan quản lý cần chọn ra một vài lĩnh vực gây bức xúc nhất – như đất đai, bảo hiểm, hộ tịch – để làm "đột phá khẩu" trong cải cách. Khi người dân nhìn thấy chuyển biến rõ ràng, cảm nhận được mình được phục vụ thay vì đi "xin", thì niềm tin vào chính quyền sẽ được củng cố. Đó chính là nền tảng cho một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ.
Nhật Huy Lê