Khó đoán định tương lai thương chiến Mỹ - Trung

Washington và Bắc Kinh tiếp tục có những động thái dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhau, nhưng tương lai của cuộc thương chiến Mỹ - Trung vẫn còn khó đoán định, ẩn chứa nhiều rủi ro cho kinh tế khu vực.
Hôm qua (4.7), liên quan thương chiến Mỹ - Trung, CNN đưa tin Washington vừa có thêm động thái giảm căng thẳng thương mại với Bắc Kinh.
Cả hai đều xuống thang
Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu phần mềm thiết kế chip sang Trung Quốc. Cả ba công ty cung cấp phần mềm thiết kế chip hàng đầu thế giới là Synopsys, Cadence và Siemens đều cho biết đã được Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng các hạn chế xuất khẩu được đưa ra vào tháng 5 đã bị hủy bỏ.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Mỹ yêu cầu hạn chế cung cấp các công cụ phần mềm quan trọng được sử dụng để thiết kế chất bán dẫn cho Trung Quốc, như một phần của sự trả đũa đối với việc Bắc Kinh bóp nghẹt xuất khẩu đất hiếm cho phía Washington. Động thái này khi đó đã làm dấy lên sự chỉ trích gay gắt giữa hai nước dù đầu tháng 5 thì hai bên đạt thỏa thuận "ngừng bắn" về thương mại.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington đối với phần mềm thiết kế chip, hoặc phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vì chúng rất cần thiết để tạo ra các vi mạch mới. Theo một báo cáo do Tân Hoa xã công bố thì bộ ba công ty Synopsys, Cadence và Siemens kiểm soát 70% thị trường EDA của Trung Quốc.
Chính vì thế, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế có ý nghĩa không nhỏ với Trung Quốc. Không những vậy, chính phủ Mỹ mới đây đã gửi thư đến các nhà sản xuất và xuất khẩu ethane lớn để thu hồi quy định yêu cầu cấp phép xuất khẩu ethane vốn được ban hành vào tháng 6. Động thái này dọn đường cho các lô hàng ethane đến Trung Quốc. Ước tính, 98% nguồn cung ethane của Trung Quốc phụ thuộc Mỹ, trong khi đây là nguyên liệu hóa dầu quan trọng.
Đáp lại, Trung Quốc đã cho phép tiếp tục xuất khẩu nam châm đất hiếm sang Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã xác nhận điều này, dù khối lượng xuất khẩu vẫn chưa trở lại mức trước tháng 4 - thời điểm mà Bắc Kinh áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm để "phản đòn" các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây thông báo Bắc Kinh và Washington đã kết nối chặt chẽ kể từ vòng đàm phán mới nhất và đang làm việc để thực hiện các khuôn khổ mà cả hai bên đã thỏa thuận.
Nhiều tín hiệu xen lẫn về thương chiến Mỹ - Trung
Tuy nhiên, tờ The New York Times dẫn ý kiến chuyên gia phân tích Washington vẫn đang tiếp tục gây sức ép với nhiều nước khác để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Điển hình, các nhà đàm phán Mỹ đang yêu cầu chính phủ Thái Lan sàng lọc đầu tư nước ngoài đến, với hy vọng ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Thái Lan. Thậm chí, Washington còn gây áp lực buộc một số nền kinh tế xem xét kiểm soát xuất khẩu công nghệ như chất bán dẫn.
"Chính quyền Trump đang gửi đi thông điệp họ cần nhìn thấy các nền kinh tế khác có sự tách rời chiến lược với Trung Quốc nếu muốn trở thành đối tác thương mại với Mỹ", tờ báo dẫn lời ông Steve Okun, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn địa chính trị APAC Advisors.
Những nỗ lực trên của Washington đối với Bắc Kinh dẫn đến thế khó cho một số bên. Ngày 3.5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo kiên quyết phản đối bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ với nước khác mà "cái giá phải trả là lợi ích của Trung Quốc". Theo đó, Bắc Kinh sẽ "thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp".
Không những vậy, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn và chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump vẫn khó lường sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho các nền kinh tế trong khu vực.
Trong phân tích gửi đến Thanh Niên mới đây, Standard & Poor's (S&P) Ratings, nhà xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, dự báo các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với áp lực bên ngoài khá lớn, đặc biệt là từ chính sách thuế quan không chắc chắn của Mỹ và thị trường Trung Quốc nhập khẩu yếu mà một trong các nguyên nhân là vì kinh tế khó khăn và thương chiến.
Phân tích trên kỳ vọng nhu cầu trong nước của các nền kinh tế nhìn chung sẽ vẫn mạnh mẽ mà một phần đến từ việc nới lỏng chính sách. Điều này cũng dẫn đến khả năng phục hồi của các nền kinh tế khu vực rất khác nhau, những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thì khả năng phục hồi sẽ thấp hơn.