Khi thương chiến Mỹ - Trung hạ nhiệt

Sau 2 ngày đàm phán, thương chiến Mỹ - Trung hạ nhiệt khi 2 bên tạm thời dỡ bỏ phần lớn mức thuế áp đặt nhằm vào nhau gần đây, nhưng điều này có thể khiến các nền kinh tế khác phải nhanh chóng đàm phán với Washington để không bị "hụt chân".
Rạng sáng qua (12.5, giờ VN), Mỹ và Trung Quốc thông báo cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) đã đạt kết quả khả quan, hai bên tìm được tiếng nói chung vì cùng chia sẻ nhiều lợi ích.
90 ngày "ngừng bắn"
Đến trưa cùng ngày (theo giờ VN), hai bên mới công bố thỏa thuận tạm ngưng phần lớn mức thuế nhằm vào nhau trong 90 ngày để đàm phán. Theo đó, Mỹ tạm giảm mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% (bao gồm 10% mức cơ bản của thuế đối ứng và 20% thuế trừng phạt vì vấn đề fentanyl). Ngược lại, Trung Quốc giảm mức thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, nước này liên tục tăng cường áp thuế lên Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay trong nửa đầu tháng 4, Mỹ đã loại trừ thuế quan cao đối với điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tử khác được nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này được cho là mang lại một bước đột phá lớn cho các công ty công nghệ của Mỹ như Apple, Dell, HP… vốn có nguồn cung phụ thuộc vào các nhà máy tại Trung Quốc. Trong năm 2024, tổng giá trị thiết bị, phụ kiện và máy móc điện tử Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là 123,8 tỉ USD (chiếm tỷ trọng 28,2% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ).
Thỏa thuận mới nhất đạt được trong bối cảnh Trung Quốc đang gặp thách thức không nhỏ vì thương chiến với Mỹ, đồng thời tình hình kinh tế trì trệ trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa được giải quyết. Ngược lại, Mỹ cũng đang gặp áp lực không nhỏ về lạm phát do việc tăng thuế nhập khẩu khiến hàng hóa tăng giá, trong khi nước này vẫn chưa thể tự chủ nguồn cung nội địa. Nền kinh tế Mỹ trong quý 1/2025 đã giảm 0,3% khiến cho rủi ro suy thoái ngày càng lớn hơn.
Chính vì thế, việc Mỹ - Trung đạt thỏa thuận sau cuộc đàm phán từ ngày 10 - 11.5 cũng đã giúp cả hai bước "dễ thở" hơn để giải quyết các vấn đề kinh tế nội bộ.
Tương lai về đâu ?
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa hai nước vốn đã kéo dài từ năm 2018 đến nay và tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc không dễ hóa giải.
Trả lời Thanh Niên ngày 12.5, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận xét: "Còn quá sớm để nói liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận lâu dài hay không". Bởi theo GS Nagy thì Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ phải tái cấu trúc lại thương mại của Mỹ và chuyển việc làm về nước này, không để phần lợi nghiêng về Trung Quốc.
GS Nagy phân tích thêm: "Câu hỏi đặt ra là liệu thuế quan có tác động tiêu cực đến cả hai nền kinh tế hay không? Câu trả lời là có. Chi tiết hơn thì nền kinh tế Trung Quốc có thể bị tổn thương nhiều hơn vì phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời đang phải đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế. Nếu không ứng phó hiệu quả, hàng triệu người Trung Quốc sẽ mất việc làm. Ngược lại, Mỹ đối mặt với lạm phát gia tăng do thuế quan. Trong ngắn hạn, cả hai đều có thể bị tổn thương. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, Trung Quốc khó có thể bù đắp nổi tổn thương từ cuộc thương chiến với Mỹ. Thực tế vừa nêu là động lực giúp hai bên tạm đạt được thỏa thuận, nhưng khó có thể sớm đạt giải pháp cho cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, vì cả Washington lẫn Bắc Kinh đều hiểu rằng bên chiến thắng sẽ định hình tương lai và trật tự quốc tế".
Trước mắt, thỏa thuận trên cùng với 90 ngày "ân hạn" chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ tận dụng để tăng cường đặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm bổ sung nguồn cung và dự trữ cho thị trường xứ cờ hoa. Điều này khiến cho ưu thế 90 ngày "ân hạn" mà nhiều nước đang có với Mỹ sẽ mất đi, khiến cho các nền kinh tế này cần sớm đẩy mạnh đàm phán với Mỹ.