Khi nào kết quả bầu Giáo hoàng được công bố?

Giám đốc Phòng Báo chí Vatican Matteo Bruni cho biết, trước khi bỏ phiếu bầu người kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis, các hồng y sẽ dâng thánh lễ và đọc kinh sáng.
Theo Vatican News, sau thánh lễ "Pro eligendo Romano Pontifice" lúc 10h giờ Italia (15h giờ Việt Nam) ngày 7/5, các hồng y sẽ rời Nhà thánh Marta và bước vào Nhà nguyện Sistine lúc 16h30 để tuyên thệ và bỏ phiếu bầu Giáo hoàng lần thứ nhất.
Từ ngày mai (8/5), sau khi cử hành thánh lễ và đọc kinh sáng, các hồng y sẽ tiến vào Nhà nguyện Sistine lúc 9h15 và lại bắt đầu một phiên bỏ phiếu mới. Trong trường hợp vẫn chưa bầu được Giáo hoàng, phiên bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra lúc 16h30.
Ông Bruni cho hay, thời gian có khói trắng báo hiệu các hồng y đã bầu được Giáo hoàng có thể diễn ra vào khoảng 10h30 sáng hoặc sau 12h trưa. Đối với các lần bỏ phiếu vào buổi chiều, khói có thể xuất hiện sau 17h30 hoặc 19h.
Các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra cho tới khi một ứng viên giành được 2/3 số phiếu ủng hộ. Sau ngày thứ 2, 3 và 4 của mật nghị sẽ là một ngày nghỉ để cầu nguyện và suy ngẫm. Nếu không có kết quả rõ ràng sau 30 lần bỏ phiếu, một ứng viên sẽ giành chiến thắng nhờ đa số phiếu tối thiểu.
Mật nghị bầu Giáo hoàng kéo dài nhất trong lịch sử gần đây xảy ra vào năm 1922, khi các hồng y mất 5 ngày để chọn ra nhà lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo La Mã.
Trước khi mật nghị diễn ra, các hồng y cử tri sẽ được trao một tập tài liệu có hình ảnh và tiểu sử của tất cả những hồng y tham dự mật nghị.
Ngoài ra, bắt đầu từ 15h giờ Italia chiều 7/5, tất cả các hệ thống truyền tín hiệu viễn thông cho điện thoại di động tại Vatican, ngoại trừ khu vực Castel Gandolfo, sẽ bị vô hiệu hóa. Điều này nhằm đảm bảo sự cô lập của các hồng y trong suốt mật nghị. Tín hiệu sẽ được khôi phục sau khi có thông báo về kết quả bầu Giáo hoàng, được tuyên bố từ ban công chính của Vương cung Thánh đường Thánh Peter.
Sáng 6/5, một ngày trước khi mật nghị bầu Giáo hoàng mới diễn ra, 173 hồng y trong đó có 130 hồng y cử tri đã tham dự phiên họp chung thứ 12. Các hồng y đã tập trung thảo luận về những phẩm chất quan trọng đối với một Giáo hoàng tương lai, bao gồm vai trò một mục tử, người xây dựng cầu nối và người thúc đẩy cải cách.