Khi giảm ăn mặn, điều gì xảy ra?

![]() |
Thói quen ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ảnh: Easycookingon. |
Bác sĩ Nguyễn Phan Dân Trúc, Khoa Dinh Dưỡng - Bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết thói quen ăn mặn từ lâu đã được xem là “kẻ thù” của trái tim. Ngoài việc làm tăng huyết áp, tiêu thụ quá nhiều muối còn liên quan đến béo phì, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận và có thể làm nặng thêm các bệnh lý hô hấp như hen phế quản.
Theo số liệu của ngành y tế TP.HCM, trung bình mỗi người dân thành phố tiêu thụ khoảng 8,5 gam muối mỗi ngày, gần gấp đôi mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (dưới 5 gam/ngày). Trong đó, nam giới ăn mặn hơn nữ, với mức tiêu thụ lần lượt là 9,4 gam và 7,6 gam mỗi ngày. Việc ăn mặn kéo dài khiến nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ ngày càng gia tăng.
Một số người lo ngại việc giảm muối có thể gây thiếu muối, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, bác sĩ Trúc cho hay điều này hầu như không xảy ra. Trong tự nhiên, nhiều loại thực phẩm như thịt, cá, rau củ đã có sẵn natri, là thành phần chính trong muối ăn đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Tình trạng thiếu muối chỉ xuất hiện trong một số trường hợp đặc biệt như tiêu chảy kéo dài, lao động gắng sức dưới nắng nóng nhiều giờ hoặc vận động viên luyện tập cường độ cao.
Giảm muối không có nghĩa là ăn nhạt nhẽo. Người dân có thể áp dụng những mẹo đơn giản để vừa giảm muối vừa giữ nguyên độ ngon của món ăn như ưu tiên các món luộc, hấp thay vì kho, rim; sử dụng gia vị tự nhiên như chanh, tiêu, tỏi, rau thơm; tự nấu ăn tại nhà để kiểm soát lượng muối; pha loãng nước mắm, hạn chế dùng nước chấm và nước dùng khi ăn phở, bún; đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và đọc kỹ nhãn sản phẩm khi mua hàng.
Bác sĩ Trúc nhấn mạnh rằng thay đổi lối sống, bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, vận động đều đặn và kiểm soát căng thẳng là "chìa khóa vàng" để phòng và điều trị tăng huyết áp. Việc giảm muối là một trong những bước khởi đầu quan trọng, giúp ổn định huyết áp, giảm phụ thuộc vào thuốc và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Trúc khuyến cáo người dân cần điều chỉnh chế độ ăn uống, đặc biệt là giảm lượng muối tiêu thụ để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tăng huyết áp, yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.