Khi đoạn clip trong video game biến thành cảnh máy bay Ấn Độ bị bắn rơi

Đoạn video từ trò chơi lan truyền với thông tin sai lệch, khiến nhiều người lầm tưởng là cảnh thực tế trong xung đột gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan.
Hãng tin Reuters ngày 15-5 khẳng định đoạn video Pakistan bắn rơi máy bay chiến đấu của Ấn Độ thật ra là một video clip được cắt từ trò chơi điện tử mang tên Arma 3.
Trước đó, trong cuộc xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan, Chính phủ Pakistan ngày 7-5 đã đăng tải một đoạn video và được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, khẳng định quân đội nước này đã bắn hạ các máy bay của Ấn Độ.
Bài đăng kèm đoạn clip với nội dung: "Pakistan bắn hạ chiếc tiêm kích Ấn Độ thứ 3. Pakistan phản công đáp trả sau khi Ấn Độ tấn công hèn nhát bằng tên lửa vào Bahawalpur, Muzafarabad, Kotli khiến nhiều trẻ em thiệt mạng".
Thậm chí Bộ trưởng Thông tin Pakistan Attaullah Tarar còn đăng lại video và tự hào ca ngợi lực lượng vũ trang nước này vì đã "phản ứng kịp thời và đầy căng thẳng".
Tuy nhiên phía Ấn Độ không xác nhận thông tin này.
Bên dưới bài đăng của Chính phủ Pakistan, một bình luận lên tiếng tố cáo "tài khoản của chính phủ đang sử dụng video giả từ game".
Cộng đồng mạng nhanh chóng vào cuộc và phát hiện đoạn video không phải hình ảnh thực tế, mà là cảnh quay từ trò chơi điện tử Arma 3, sản phẩm ra mắt năm 2013 của Hãng Bohemia Interactive.
Ngoài ra tài khoản YouTube "Compared Comparison", chuyên đăng video mô phỏng quân sự, chia sẻ với Reuters: “Tôi thích làm những video mô phỏng này cho các bạn và rất vui khi các bạn yêu thích chúng! Đồ họa của Arma 3 rất chân thực, gần giống như ngoài đời thật. Tuy nhiên tôi rất ngạc nhiên vì nội dung của Arma 3 thường xuyên bị nhầm là cảnh quay thật và đang bị lan truyền nhanh chóng để đánh lừa người khác”.
Sau các cáo buộc nói trên, Chính phủ Pakistan nhanh chóng đối mặt với các làn sóng chỉ trích rộng khắp về "sự thiếu trách nhiệm nghiêm trọng khi đưa ra thông tin sai lệch".