Nhảy đến nội dung

Khi các hãng hàng không bán ‘hàng xén’ thu tiền tỷ

TP - Bán vé máy bay kèm sớ cúng, đồ lễ; bán trà sữa; bán đá lạnh… là những món hàng tưởng chỉ có tại các chợ truyền thống, nhưng nay được nhiều hãng hàng không thực hiện. Điều đáng nói, doanh thu từ “tiệm tạp hóa trên mây” không nhỏ chút nào.

TP - Bán vé máy bay kèm sớ cúng, đồ lễ; bán trà sữa; bán đá lạnh… là những món hàng tưởng chỉ có tại các chợ truyền thống, nhưng nay được nhiều hãng hàng không thực hiện. Điều đáng nói, doanh thu từ “tiệm tạp hóa trên mây” không nhỏ chút nào.

“Tiệm tạp hóa trên mây”

Mới đây, Hãng hàng không Vietjet Air (VJA) đã gây bất ngờ khi bán vé máy bay chặng đi Côn Đảo kèm đồ lễ, có cả sớ cúng. Ngay sau tuyên bố này, nhiều hành khách đã vô cùng bất ngờ, pha lẫn thú vị. Bởi ai cũng biết, chặng bay này hầu hết hành khách chọn điểm đến tâm linh (Nghĩa trang Hàng Dương). Ngay sau khi mở bán, các chuyến bay tới Côn Đảo đều đã “cháy vé” cả hạng phổ thông lẫn thương gia. Nguồn tin từ VJA cho biết, những bộ đồ cúng, đồ lễ đi kèm cũng gần như “cháy hàng”.

Khi các hãng hàng không bán ‘hàng xén’ thu tiền tỷ ảnh 1

Hành khách trẻ thích thú với sản phẩm trà sữa trên chuyến bay. Ảnh: VNA

Bà Lê Thị Hằng, một hành khách bay chuyến Hà Nội - Côn Đảo ngày 19/4 vừa qua chia sẻ, bộ đồ lễ, đồ cúng của VJA đầy đủ những thành phần cần thiết. “Côn Đảo là điểm đến tâm linh nổi tiếng vì có nghĩa trang Hàng Dương và mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Theo tôi, đây là hướng tiếp thị sáng tạo, phục vụ nhu cầu tâm linh của du khách”, bà Hằng nói.

“Những mặt hàng phụ có logo hoặc tên thương hiệu sẽ giúp hãng hàng không xây dựng hình ảnh, định vị thương hiệu trong lòng du khách. Trong bối cảnh ngành hàng không vẫn cần thêm thời gian để phục hồi và marketing ngày càng được chú trọng, tôi nghĩ xu thế bán lẻ mặt hàng phụ sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai”.

TS Võ Trí Thành

Tuy nhiên, hiện hãng này đang tạm ngừng bán dịch vụ đồ lễ. Theo đó, một nguồn tin cho biết, VJA đang tạm ngừng để rà soát lại chất lượng hàng hóa mà đối tác cung cấp. “Mặt hàng liên quan tới tâm linh nên cần thận trọng”, nguồn tin nói.

Nhiều hành khách khác khi được hỏi về dịch vụ đồ lễ này cũng đánh giá rất cao tính sáng tạo trong kinh doanh. Không ít chuyên gia kinh tế còn đánh giá, nếu kinh doanh tốt, thậm chí doanh số bán đồ lễ có thể cao hơn bán vé ngồi.

Vài năm nay, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) khá nổi tiếng với giới trẻ khi bán trà sữa trên nhiều chặng bay (cả quốc tế). Sản phẩm này do Cty CP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS- đơn vị trực thuộc VNA) cung cấp từ tháng 7/2022. VNA tuy là hãng hàng không truyền thống, nhưng ngay sau đại dịch Covid đã biết tối ưu các hoạt động doanh thu. VNA thậm chí kinh doanh kiểu “mùa nào thức nấy, chẳng hạn bán bánh trung thu, mùa vải đưa sản phẩm lên máy bay…

Bán hàng vặt thu tiền tỷ

Theo thông tin từ VNA, chỉ riêng doanh thu từ trà sữa trong 2 năm gần nhất, trung bình đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm. Còn báo cáo tài chính mới nhất của VJA cho thấy, doanh thu phụ trợ đạt 12.500 tỷ đồng (tương đương 17,4% tổng doanh thu). Trong đó, hoạt động bán lẻ mặt hàng phụ như các loại suất ăn đặc biệt, đồ ăn, thức uống, quà lưu niệm (quần áo, mũ, túi xách, gấu bông, mô hình máy bay…) có đóng góp ngày càng nổi bật.

Đại diện Bãng hàng không Bamboo Airways (BB) cho biết, hoạt động kinh doanh đồ lưu niệm đã được chú trọng từ nhiều năm qua. Theo BB, các sản phẩm phụ trợ vừa là người bạn đồng hành, vừa như chiếc “mỏ neo” ký ức, khơi gợi những kỷ niệm đẹp trên hành trình. Trong thời gian tới, hãng dự kiến ra mắt các sản phẩm lưu niệm mới, phù hợp với thị hiếu của khách hàng và định hướng của hãng.

Theo ông Lâm Quang Tiến, GĐ Truyền thông của Hãng hàng không Vietravel Airlines (VA), kinh doanh mặt hàng đi kèm là mảng then chốt trong việc tối ưu hóa nguồn thu phụ trợ, nhằm bù đắp cho chi phí vận hành khổng lồ trong vận tải hành khách. Theo đó, sắp tới, VA sẽ kinh doanh sản phẩm cà phê sạch, được sản xuất ở Tây Nguyên, Quảng Trị… Bên cạnh đó, hãng cũng dự định kinh doanh những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống.

“Không chỉ đóng góp đáng kể vào doanh thu, mặt hàng phụ còn có vai trò quan trọng về văn hóa, là cầu nối đưa bản sắc Việt Nam đến gần hơn với du khách, góp phần hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống và doanh nghiệp nội địa” ông Tiến nói.

Việc hàng không bán kiểu “hàng xén” không chỉ diễn ra ở Việt Nam, trên thế giới có nhiều hãng thậm chí nêu ý tưởng bán ghế máy bay đứng (thay vì ngồi) để tiết kiệm diện tích. Thậm chí, Hãng Hàng không giá rẻ Ryanair (Ireland) còn bán cả đá lạnh cho hành khách và phi hành đoàn (mua nước riêng, đá lạnh riêng).

Một số hãng hàng không giá rẻ tại châu Âu như EasyJet (Anh), Vueling (Tây Ban Nha) tập trung bán cả đồ trang điểm và mỹ phẩm giá rẻ - những thứ rất cần thiết với khách đi du lịch vùng biển. Họ bán luôn cả túi nhỏ có thể tái chế cho hành khách đựng “hàng vặt”. Vừa hữu dụng, vừa lan truyền thông điệp phát triển bền vững. Wizz Air, một hãng hàng không giá rẻ của Hungary bán truyện tranh được sáng tác bởi một nữ phi công của hãng, kể về ước mơ trở thành phi công từ thuở thơ ấu của cô.

Nhiều hãng khác bán cả dép lê, bài tú lơ khơ, đồ chơi xếp hình, khăn giấy, đèn ngủ…

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, sau đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều hãng hàng không đẩy mạnh bán lẻ mặt hàng phụ để góp phần phục hồi kinh tế, nhất là khi họ đang thiếu tàu bay cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, làm giảm năng lực vận tải hành khách.

Việt Khôi