Khát vọng hùng cường

TP - Đường lối đổi mới mang tính cách mạng về thể chế, tổ chức bộ máy, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân…, mà Đảng đang thực hiện đã thổi bùng lên niềm tin và khát vọng trong trăm triệu người dân về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.
Khai phóng tiềm năng
Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, trăm triệu người Việt Nam vừa hòa chung niềm vui thống nhất (30/4/1975- 30/4/2025), vừa bừng lên niềm tin và khát vọng trước những chuyển động mạnh mẽ của đất nước trước thềm kỷ nguyên mới”.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Ảnh: Lâm Khánh |
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu là Đại hội XIV của Đảng. Từ đây, trăm triệu người dân Việt như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các yêu cầu lịch sử, đổi mới thành công, vượt thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển, đạt được những thành tựu to lớn. Chính những thành tựu đó đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo ông Phú, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước.
“Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Nhìn lại 40 năm đổi mới, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, đổi mới có ý nghĩa nhất của Đại hội VI chính là đổi mới tư duy, xóa bỏ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trong sản xuất nông nghiệp, giúp khai phóng đất đai, khai mở sức lao động và sáng tạo của người dân. Kết quả, chỉ sau hơn một năm sau khi Nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp được thực hiện, Việt Nam từ một nước thiếu ăn đã dư thừa lương thực, xuất khẩu ra nước ngoài hàng triệu tấn.
“Đổi mới quan trọng nhất trong kỷ nguyên mới chính là đổi mới tư duy và đổi mới trong hành động để khai mở các tiềm năng phát triển mới”, ông Túc nói.
Tư duy mới, hành động mới
Theo ông Nguyễn Túc, công cuộc cải cách mà Đảng đang thực hiện thời gian qua nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, nhất là việc tinh gọn tổ chức bộ máy. Tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc, ôm đồm, phân công chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh trong bộ máy nhà nước đã được đề cập từ lâu. Đảng cũng đã có nhiều nghị quyết “nhìn thẳng” vào những hạn chế, yếu kém của bộ máy, nhưng do thiếu sự đột phá trong hành động, dẫn đến quá trình triển khai chưa đạt kết quả như mong muốn. Hệ lụy là tổ chức bộ máy không chỉ gây tốn kém, gánh nặng ngân sách, mà còn thiếu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Trước thực trạng này, từ tháng 9 năm 2024, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 10, với tư duy và hành động mới, Đảng đã xác định, cách mạng tổ chức bộ máy phải được thực hiện theo phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, “không thể chậm trễ”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 nhấn mạnh: “Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân”.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, cải cách bộ máy là vấn đề được Đảng quan tâm từ lâu nay, nhưng cách thức thực hiện thì chưa quyết liệt, còn nể nang, hiệu quả chưa cao. Thành thử, có thời kỳ đưa ra yêu cầu về tinh giản biên chế nhưng biên chế vẫn cứ phình ra. Trong cuộc cách mạng tổ chức bộ máy lần này, Đảng không chỉ đổi mới về tư duy mà còn cả đổi mới cách thức thực hiện. Trung ương gương mẫu làm trước, các địa phương làm theo.
Đánh giá về những kết quả bước đầu, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban Văn hóa và Xã hội) khẳng định: “Những cải cách mang tính cách mạng về bộ máy mà Đảng đang thực hiện dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm chắc chắn sẽ tạo nên bước ngoặt lớn cho sự phát triển đất nước”. Đặc biệt, với sự đồng thuận cao của người dân cho thấy, một khi chủ trương chính sách lớn của Đảng được nhân dân ủng hộ thì sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra sức mạnh lớn mà không ai có thể chần chừ, chậm trễ trong thực hiện.
GS. TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp cho rằng, để dân tộc vươn mình trong kỷ nguyên mới, phải bứt phá quyết liệt hơn trong thực hiện cải cách về thể chế, pháp luật, tổ chức bộ máy. “Thể chế, pháp luật cần được đổi mới, cải cách theo hướng tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, thức dậy các tiềm năng xã hội, khuyến khích sáng tạo, đón nhận cái mới”, ông Liên nói.
“Chúng ta đang sống trong thời khắc lịch sử, chứng kiến sự phát triển chưa từng có của khoa học công nghệ và môi trường quốc tế đầy biến động, vừa hợp tác vừa đấu tranh, nơi mà cơ hội và thách thức luôn song hành. Nhưng với bản lĩnh kiên cường, với ý chí quyết tâm và khát vọng cháy bỏng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên kỳ tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội! Một nền kinh tế vững mạnh đang hình thành, một thế hệ doanh nhân Việt Nam bản lĩnh và đổi mới, sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết kinh doanh và lòng yêu nước, đang viết tiếp câu chuyện thành công, và một tương lai rực rỡ, một nước Việt Nam XHCN sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang dần trở thành hiện thực trong tương lai gần”. (Trích bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng)