Khám bảo hiểm y tế sau sáp nhập thế nào?

Không còn xã, cũng chẳng còn huyện hay tỉnh như thông tin đã ghi trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhiều người dân băn khoăn liệu có thể khám chữa bệnh BHYT hay phải đổi lại thẻ BHYT?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực 27 (TP.HCM), cho hay việc sáp nhập đơn vị hành chính không ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người dân.
Các bệnh viện quận, huyện có thể đổi tên để phù hợp hơn và hoạt động bình thường, vẫn tiếp tục tiếp nhận, điều trị và thanh toán BHYT như hiện nay. Người có thẻ BHYT đăng ký tại tuyến quận, huyện vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định.
Người dân không cần đổi thẻ BHYT, không cần lo lắng về việc chuyển tuyến hay mất quyền lợi.
Thông tin trên thẻ BHYT không còn, có bị ảnh hưởng?
Sáng 3-7, tại khu vực đón tiếp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Huyền (trú xã Trấn Yên, tỉnh Lào Cai) loay hoay cầm tấm thẻ BHYT trên tay tìm người hướng dẫn. Bà Huyền nói: "Tỉnh đổi tên, xã sáp nhập rộng hơn, không còn huyện nữa tôi không biết thẻ BHYT có dùng được không".
Không chỉ riêng bà Huyền, nhiều người dân ở các xã, phường, tỉnh mới sáp nhập cũng bày tỏ sự lo lắng liệu quyền lợi khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng. Bà Huyền đã được nhân viên y tế hướng dẫn đến làm thủ tục khám. Nhân viên giải thích việc thông tin trên thẻ BHYT sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.
Tại Trung tâm Y tế khu vực Hà Đông (Hà Nội), điều dưỡng tại đây chia sẻ từ sau ngày 1-7 đến nay, trung tâm không gặp bất cứ khó khăn gì trong tiếp nhận người bệnh BHYT. Mọi thông tin bệnh nhân đều đã được liên thông, bệnh nhân chỉ cần mang thẻ BHYT hoặc căn cước công dân là có thể sử dụng dịch vụ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bảo hiểm xã hội Hà Nội khẳng định người dân không cần đổi thẻ BHYT, vẫn tiếp tục được khám chữa bệnh theo chế độ hiện hành.
Vị này cho hay hiện quy định thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện đã áp dụng toàn quốc. Vì vậy tên cơ sở khám chữa bệnh ban đầu in trên thẻ không ảnh hưởng đến quyền lợi chi trả bảo hiểm.
"Trường hợp trung tâm y tế khu vực được sáp nhập hoặc chuyển đổi, người dân vẫn có thể đi khám tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào thuộc tuyến huyện mà không phải đổi thẻ hay thay đổi thông tin", đại diện BHXH Hà Nội giải thích.
Còn theo cơ quan bảo hiểm xã hội, người dân không cần đổi thẻ BHYT, kể cả khi địa chỉ trên thẻ không còn khớp với tên hành chính mới. Mọi dữ liệu đã được đồng bộ thông qua căn cước công dân gắn chip và kết nối với hệ thống quản lý BHYT quốc gia.
Các cơ sở y tế vẫn tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã cấp cho người dân để khám chữa bệnh khi chưa kịp điều chỉnh thông tin địa chỉ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên thẻ. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ phối hợp ký mới hoặc gia hạn hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các đơn vị y tế sáp nhập, thành lập mới, để đảm bảo dịch vụ không bị gián đoạn.
Các bệnh viện, trạm y tế hoạt động ra sao?
Bên cạnh quyền lợi của người tham gia BHYT, một vấn đề khác người dân cũng băn khoăn là khi sáp nhập các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa tỉnh có sáp nhập, số lượng có giảm đi.
Liên quan vấn đề này, Bộ Y tế cho hay đã hướng dẫn sắp xếp các cơ sở y tế sau sáp nhập hành chính. Theo đó mỗi xã, phường sẽ được duy trì ít nhất một trạm y tế để phục vụ người dân, tùy theo dân số, diện tích và điều kiện kinh tế - xã hội.
Các trạm y tế sẽ đảm nhiệm chức năng khám chữa bệnh ban đầu, phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ về an toàn thực phẩm, dân số, bảo trợ xã hội...
Về các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố - cơ bản giữ nguyên để bảo đảm cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân trong khu vực liên xã, liên phường, không phụ thuộc ranh giới hành chính mới.
Các trung tâm y tế cấp huyện cũng được định hướng chuyển đổi thành trung tâm y tế khu vực, trực thuộc sở y tế tỉnh, thành phố, nhằm thực hiện đồng thời nhiệm vụ y tế dự phòng và hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế xã, phường. Như vậy các cơ sở y tế cơ bản được giữ nguyên, chủ yếu thay đổi tên gọi theo địa giới hành chính mới.