Khai mạc mật nghị bầu giáo hoàng

Ngày 7.5, các hồng y đủ tiêu chuẩn chính thức bước vào giai đoạn mật nghị để bầu ra lãnh đạo mới cho Giáo hội Công giáo La Mã.
Tòa thánh Vatican thông báo có 133 hồng y cử tri, những người từ 80 tuổi trở xuống, tham gia mật nghị để bầu ra người kế vị cố Giáo hoàng Francis, sau khi có 2 vị rút lui vì lý do sức khỏe. Trước khi giai đoạn bầu cử kín đáo diễn ra, các hồng y được đưa đến tá túc tại nhà khách Santa Marta, cách nơi diễn ra mật nghị là Nhà nguyện Sistine vài trăm mét. Họ sẽ ở đó trong suốt thời gian này cho đến khi bầu được giáo hoàng mới, có thể mất nhiều ngày hoặc lâu hơn.
Tuyệt đối bí mật
Các hồng y sẽ tham gia thánh lễ vào buổi sáng tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter, theo AFP. Đến 16 giờ 15 (giờ địa phương), họ tập trung tại Nhà nguyện Pauline trong Điện Tông tòa và cầu nguyện Chúa Thánh thần soi sáng cho sự lựa chọn của họ. Mật nghị sẽ chính thức bắt đầu sau đó 15 phút tại Nhà nguyện Sistine, khi vị chủ lễ yêu cầu tất cả những người không phận sự ra ngoài bằng cách hô to câu tiếng Latin "extra omnes", nghĩa là "tất cả ra ngoài". Mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt và các hồng y cũng như toàn bộ nhân viên hỗ trợ phải tuyên thệ giữ bí mật. Vatican thông báo sẽ cắt sóng điện thoại trong khu vực tòa thánh từ chiều 7.5 và các hồng y cũng được yêu cầu không mang theo điện thoại.
Mật nghị sẽ diễn ra cho đến khi có một hồng y nhận được 2/3 số phiếu. Khi đó, Vatican sẽ thông báo ra bên ngoài bằng cách đốt các phiếu bầu trong hệ thống lò sưởi có ống khói thông lên mái Nhà nguyện Sistine. Khói trắng nghĩa là có giáo hoàng mới trong khi khói đen là ngược lại. Hóa chất sẽ được sử dụng để tạo màu cho khói. Trừ ngày đầu tiên chỉ bỏ phiếu một lần, những ngày tiếp theo sẽ có tối đa 4 vòng bỏ phiếu mỗi ngày, trong đó 2 vòng buổi sáng và 2 vòng buổi chiều. Nếu sau 3 ngày vẫn chưa có người chiến thắng, mật nghị sẽ tạm nghỉ trong một ngày để các hồng y cầu nguyện, suy ngẫm và đối thoại. Nếu sau 7 vòng bỏ phiếu nữa mà chưa có giáo hoàng mới, sẽ có thêm một ngày nghỉ.
Sau 4 lần tạm nghỉ mà chưa có kết quả, các hồng y có thể thống nhất thay đổi phương thức bỏ phiếu, chọn lựa giữa 2 ứng viên có nhiều phiếu nhất. Người thắng vẫn phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu hợp lệ.
Hình mẫu giáo hoàng mới
Trước khi mật nghị diễn ra, Vatican đã tổ chức các cuộc họp kín của Hồng y đoàn để các hồng y hiểu nhau hơn, cũng như chỉ ra những thách thức chính mà giáo hoàng mới sẽ đối mặt và những phẩm chất mà vị chủ chăn cần có. Theo Reuters, một số hồng y đang tìm kiếm một vị giáo hoàng mới sẽ tiếp tục thúc đẩy đường hướng của cố Giáo hoàng Francis về một giáo hội cởi mở và minh bạch hơn, trong khi những người khác lại mong muốn quay về với các giá trị truyền thống, nhấn mạnh hơn vào giáo lý.
Tại hội nghị hôm đầu tuần, trong số những vấn đề được thảo luận có "mối quan ngại sâu sắc" về sự chia rẽ trong nội bộ giáo hội. Bên cạnh đó, các hồng y cũng đã bàn luận về hình mẫu của vị giáo hoàng tương lai: "một nhân vật cần hiện diện, gần gũi, có khả năng làm cầu nối và dẫn dắt, một vị mục tử gần gũi với đời sống thực tế của người dân", Reuters dẫn lời một phát ngôn viên Vatican cho biết.
Năm 2013, mật nghị kéo dài 27 giờ trong khi năm 2005 là 26 giờ. Tất cả hồng y cử tri năm nay đến từ 71 quốc gia trên khắp 5 châu, nhiều nhất từ trước đến nay. Trong triều đại của mình, cố Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm nhiều hồng y từ các vùng ngoại vi thay vì tập trung tại châu Âu, nhằm mang đến sự phổ quát hơn cho giáo hội 1,2 tỉ người. Trong số 133 hồng y cử tri, có 108 vị do cố Giáo hoàng Francis tấn phong, vượt trội so với người tiền nhiệm Benedict XVI.