Nhảy đến nội dung
 

Khách Việt kiều đấu trí với người bán hàng cân thiếu

"Tôi rất đồng cảm với nỗi bức xúc của những người đi mua hàng bị cân thiếu, cân điêu, vì bản thân tôi cũng từng ở vào hoàn cảnh như thế. Có điều, tôi không cam chịu phần thiệt về mình mà sẵn sàng làm rõ trắng đen với người bán.

Có một lần nọ, nhân dịp về Việt Nam chơi, tôi đưa cả gia đình đi Vũng Tàu nghỉ mát. Trên chuyến xe về lại thành phố sau khi kết thúc kỳ nghỉ, cậu tài xế có đưa chúng tôi ghé vào một gian hàng chuyên bán hải sản làm quà để mọi người mua sắm. Tại đây, tôi thấy một cô bé, chỉ khoảng tuổi con tôi (chừng 12 tuổi), ngồi bán cua biển một mình.

Thấy vậy, người nhà kéo tôi lại. Có lẽ họ ở Việt Nam nên nắm quá rõ cách bán hàng tại đây, sợ tôi bị gài, cân điêu, mất tiền oan. Nhưng tôi trấn an họ và vẫn quyết định tiến tới.

Tôi nói nhỏ với cháu bé bán hàng: "Chú không thích bị gạt. Hay là cháu cho chú chỉnh lại cân, rồi cháu sẽ dựa vào đó mà ra giá mới. Nếu giá hợp lý chú hứa sẽ mua hết những gì cháu có, được không?". Sau một hồi đắn đo, cháu bé đồng ý để tôi lấy chai nước 250 ml chỉnh lại cân tương ứng 250 g.

Sau đó, cô bé ra giá mới cao hơn mức giá chào bán ban đầu. Và tôi vui vẻ đồng ý mua toàn bộ 12 kg cua, coi như vừa mua, vừa giúp cháu, nhưng trong lòng thấy nhẹ nhõm. Ngoài ra, tôi còn cho riêng cháu thêm 100.000 đồng vì sự thật thà đó".

Đó là chia sẻ của độc giả Ngồi Không sau bài viết "Màn kịch 'sầu riêng giá rẻ' khiến tôi mất oan 100.000 đồng". Thực trạng cân điêu, cân thiếu từ lâu đã trở thành vấn đề bức xúc ở nhiều nơi.Người bán thường chỉnh đồng hồ cân khiến cho cân xảy ra sai lệch, từ đó, bán hàng thiếu cân cho người tiêu dùng. Với những chiêu thức tinh vi, người bán hàng thu lợi một cách nhanh chóng, còn người tiêu dùng phải ấm ức cho những món hàng mình bỏ tiền ra mua nhưng không đúng với trọng lượng thực.

>> Cú lừa của gã khách 'sộp' khiến bà chủ tiệm sững sờ

Cũng từng là nạn nhân của tình trạng cân thiếu, cân điêu khi mua hàng, bạn đọc Sông Đông nói về kinh nghiệp đối phó của bản thân: "Tôi nhớ ngày trước, một lần đi xe máy về quê ngoại ở Thái Bình, qua Quốc lộ 5, địa phận Hải Dương, tôi thấy người ta bày bán vải đặc sản địa phương, trông rất ngon, nên cũng tấp vào hỏi mua.

Sau mặc cả giá xong xuôi, tôi thấy mấy chị bán hàng đặt túi vải lên cân, chạm kịch vạch tối đa, nghĩa là phải khoảng 6 kg. Thế nhưng, các chị vẫn xởi lởi, tính tròn 5 kg cho tôi với lý do 'dễ tính tiền'. Ban đầu, nghe vậy, tôi định rút tiền ra trả luôn. Nhưng bỗng tôi khựng lại, thấy có chút bất thường nên sinh nghi ngờ.

Tôi lấy chiếc mũ bảo hiểm đang đội và bảo người bán: 'Chị tiện cân hộ em cái mũ bảo hiểm này xem nặng bao nhiêu?'. Thực ra, tôi cũng chẳng biết trọng lượng chính xác của mũ là bao nhiêu, chỉ nói đại vậy để xem phản ứng của người bán thế nào. Ai ngờ, vừa nghe vậy, chị bán hàng thay đổi hẳn thái độ, nhất quyết không bán nữa, còn đuổi tôi đi luôn.

Cũng may lần đó tôi tỉnh táo nên không bị dính bẫy cân điêu, nếu không có lẽ cũng phải ôm cục tức như bao người khác. Từ đó, rút kinh nghiệm, cứ đi mua chỗ nào lạ, cảm thấy nghi ngờ, tôi cứ bảo người bán cân trước chai nước hoặc vật dụng nào đó của mình để kiểm tra. Ai cố ý cân điêu chắc chắn sẽ chột dạ ngay".

Hiện nay, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt hành chính theo điều 61 nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với mức phạt tiền cao nhất là 20 triệu đồng và một số hình phạt bổ sung.

Bộ luật Hình sự năm 1985, bộ luật năm 1999 và bộ luật hiện hành (điều 198) cũng quy định về tội này. Nhưng số vụ bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế rất hiếm.

Thành Lê tổng hợp