Nhảy đến nội dung
 

Khách Tây nhận xét: Đây là nơi bán bánh mỳ kẹp thịt ngon nhất Việt Nam, có lẽ nhiều người cũng đồng tình

Bánh mỳ kẹp thịt là món ăn nhanh rất phổ biến trên khắp đất nước Việt Nam. Nhưng theo cặp đôi khách Tây, đây là nơi bán món bánh mỳ kẹp thịt ngon nhất.

Đối với nhiều cặp đôi, việc có chung sở thích sẽ là yếu tố đầu tiên khiến họ xích lại gần bên nhau, trở thành bạn của nhau, rồi yêu nhau và muốn gắn bó với nhau cả đời. Đó chính là câu chuyện của một cặp vợ chồng tại Mỹ, Daryl và Mindi Hirsch. 

Gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2006 tại một bữa tiệc do bạn bè tổ chức ở thành phố Philadelphia, Daryl và Mindi nhanh chóng nhận ra họ đều có chung niềm đam mê với ẩm thực và du lịch. Chỉ sau đó một năm, cặp đôi đã kết hôn và bắt đầu hành trình khám phá các quốc gia khác nhau trên thế giới để tìm hiểu sâu sắc hơn về các nền văn hóa và tận hưởng cuộc sống.

Trước khi đến với nhau, anh Daryl là một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, làm việc cho một chuỗi nhà hàng sang trọng ở Philadelphia. Khi không tham gia biểu diễn tại các sự kiện như lễ cưới hay câu lạc bộ, anh đã đảm nhận nhiều công việc phụ trách hậu cần trong chuỗi nhà hàng. 

Thậm chí, Daryl còn tham gia vào việc mở nhà hàng cũng như các dự án đặc biệt cho chương trình Iron Chef trên Food Network. Mặc dù không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, anh thường thử sức trong công việc nấu nướng vì niềm đam mê ẩm thực của mình.

Trong khi đó, người bạn đời của anh, Mindi đã sở hữu bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh cùng một số chứng chỉ khác trong thời gian sống ở Atlanta, San Francisco, New York, Denver và sau đó là Philadelphia. Mindi làm việc trong ngành bảo hiểm và nhanh chóng phát triển kỹ năng kinh doanh, bao gồm quản lý dự án và phân tích hợp đồng. Những công việc này đã giúp nâng cao khả năng viết lách và thuyết trình của cô.

Vào năm 2012, cả hai đã quyết định thành lập trang web 2foodtrippers.com, chia sẻ các trải nghiệm về ẩm thực và du lịch ở các quốc gia mà họ đã đi qua. Cặp đôi đã có rất nhiều chuyến đi tới hơn 50 đất nước trên thế giới và không chỉ có những trải nghiệm tuyệt vời nhất, mà họ còn giành được các giải thưởng danh giá từ việc viết về ẩm thực và du lịch. Hai trong số đó chính là giải thưởng Blog Du lịch Hay nhất (Best Travel Blog) của Tạp chí Saveur Magazine và giải Vàng cho Blog Ẩm thực Hay nhất (Best Food Blog) của TBC Asia. 

Trong hành trình khám phá ẩm thực của các quốc gia trên thế giới, có một điểm đến đặc biệt đã chiếm được trái tim của anh Daryl và chị Mindi. Đó chính là Việt Nam. Đây cũng là lý do họ đã quyết định dành ra hẳn 3 năm chỉ để tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực của đất nước nhỏ bé nhưng vô cùng tuyệt vời này.  

Tại sao bánh mỳ kẹp xứng đáng xuất hiện trong "Cẩm nang ẩm thực"?

Như đã chia sẻ trong một bài viết trước đây, nếu phải chọn ra một món ăn nổi tiếng ở Việt Nam đáp ứng đủ các tiêu chí là ngon, tiện lợi, no bụng và rẻ (mỗi ổ bánh mỳ chỉ có giá vài chục ngàn đồng, tức là khoảng 1 - 2 đô la Mỹ) thì theo anh Daryl và chị Mindi, đó chắc chắn là bánh mỳ kẹp. Bánh mỳ kẹp có thể dùng để ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối, ăn tại chỗ hay để mang đi ăn trên xe khi không có thời gian thì đều phù hợp. Đó là những ưu điểm tuyệt vời của bánh mỳ kẹp mà những loại đồ ăn khác khó có được và nó xứng đáng có một vị trí trong "Cẩm nang ẩm thực Hà Nội". 

Tại Philadelphia, Mỹ - quê hương của cặp đôi, bánh mỳ kẹp được gọi là hoagie, tức là một loại bánh mỳ sandwich dài. Bên trong bánh mỳ hoagie thường sẽ là các nguyên liệu như thịt nướng, hoặc thịt hun khói, hoặc xúc xích kèm với cà chua, xà lách, hành tây, bơ... được trình bày vừa ngon mắt, vừa ngon miệng.

Do đó, khi đến Việt Nam và thưởng thức phiên bản bánh mỳ kẹp tại đây, Daryl và Mindi có lẽ sẽ ngay lập tức cảm thấy sự thân thương, xúc động, cảm giác xen lẫn "vừa lạ, vừa quen". 

Bánh mỳ kẹp ở Việt Nam có thể được bán ở những cửa hàng cố định, hoặc trên chiếc những chiếc xe đẩy của những người bán hàng rong. Bất kể là được bán ở đâu, đa phần bánh mỳ kẹp ở Việt Nam sẽ đều là các loại bánh mỳ dài, ở giữa được kẹp với nhiều loại thịt, từ thịt bò, thịt lợn cho tới thịt gà, trứng rán, thậm chí là chả cá, pa tê, dưa chuột, rau thơm, tương ớt, tương cà, nước sốt...

Sự đa dạng và phong phú cùng hương vị thơm ngon, đậm đà của những chiếc bánh mỳ kẹp này sẽ giúp thực khách có nhiều lựa chọn.

Chính vì thế, "hành trình giải mã câu đố ẩm thực của đất nước Đông Nam Á" này của cặp đôi khách Tây chắc chắn không thể thiếu bánh mỳ kẹp. Và họ đã dành ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu và thưởng thức các loại bánh mỳ kẹp ở Việt Nam, từ thủ đô Hà Nội, cho đến dải đất ở miền Trung, và cả thành phố Hồ Chí Minh.

Cặp đôi chia sẻ, ở Hà Nội, họ đã có dịp nếm thử bánh mỳ kẹp ở Bánh Mỳ 25 ở số 25 Hàng Cá, Hoàn Kiếm - một địa chỉ bán bánh mỳ rất nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội. Ngoài ra, họ cũng từng ăn bánh mì pate ở cửa hàng Bánh Mỳ Lãn Ông ở số 8 phố Chả Cá. Đây đều là những địa chỉ bánh bánh mỳ kẹp nổi tiếng ở Hà Nội và theo Daryl và Mindi, bánh mỳ của họ cũng rất ngon, xứng đáng với thanh danh mà họ đã tạo dựng được trong bao năm qua.

Tuy nhiên, theo anh Daryl và chị Mindi, nếu nói về bánh mỳ kẹp thì Hà Nội chưa phải là nơi được họ chấm điểm 10, mà là một thành phố khác, nơi có những chiếc đèn lồng sáng rực với đủ mọi màu sắc vào ban đêm. 

Đó chính là Hội An. 

Đâu là nơi bán chiếc "bánh mỳ kẹp ngon nhất Việt Nam? 

Hội An là thành phố của tỉnh Quảng Nam, Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Trong ấn tượng của nhiều du khách, Hội An hiện lên là một điểm đến đẹp đến nao lòng, với sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại. Những ngôi nhà với lớp sơn vàng cũ kỹ, những chiếc đèn lồng đầy dấu vết của thời gian, những rặng hoa giấy sặc sỡ, những sắc màu rực rỡ về đêm, tất cả đều là những điều thật khó quên.

Và đối với cặp đôi Daryl và Mindi, Hội An còn hơn cả một thành phố sở hữu danh hiệu nổi tiếng. Vì sau khi đi khắp các tỉnh và thành phố của Việt Nam, thì tại đây, họ đã tìm ra nơi bán chiếc bánh mỳ kẹp mà theo họ là có hương vị ngon nhất Việt Nam.

"Nguyên liệu thì tươi ngon, gia vị đậm đà, đây chính là nơi chúng tôi được ăn những chiếc bánh mỳ kẹp ngon nhất Việt Nam", Daryl và Mindi chia sẻ trên 2foodtrippers về cửa hàng Bánh Mì Phượng ở số 2B Phan Châu Trinh, thành phố Hội An. Cặp đôi đã trở thành khách quen của quán đến nỗi chưa cần lên tiếng gọi thì nhân viên ở đây đã biết họ sẽ gọi loại bánh mỳ gì.  

Trước đó, món ăn này đã từng nổi tiếng sau khi cố đầu bếp đẳng cấp thế giới Anthony Bourdain - người từng ăn bún chả cùng Tổng thống Obama ở Hà Nội gọi bánh mì Phượng là "bánh mỳ ngon nhất thế giới". Chỉ gần 2 phút xuất hiện trên chương trình No Reservations vào năm 2009 của ông, bánh mỳ Phượng đã vươn tầm ra thế giới, tạo nên "cơn sốt" trong các cộng đồng du lịch.

Anthony khi ấy đi cùng một người bạn là đầu bếp Pháp Philip đến Hội An. Hai người đứng trước tủ bánh mỳ nhai ngấu nghiến. Anthony vừa ăn vừa tấm tắc khen mùi vị nước xốt, pate, thịt nướng của chiếc bánh mỳ này…

Theo thông tin được đăng trên báo Lao Động, món bánh mỳ vạn người mê này khiến những thực khách đã một lần thưởng thức vấn vương mãi. Phần nhân đậm đà, thêm sốt ngậy béo, vỏ bánh mỳ giòn rụm. Thực khách trong và ngoài nước không ngại đứng xếp hàng tới 25-30 phút để mua một ổ bánh mỳ.

Theo những người dân địa phương, khi địa chỉ này chưa nổi tiếng, người dân Hội An cũng đến ăn rất nhiều. Bây giờ quán đông quá, chủ yếu chỉ còn khách du lịch xếp hàng thưởng thức, chứ dân địa phương thì không đủ kiên nhẫn chờ để mua được nữa.

Theo chia sẻ của chị Phượng, chủ quán, vỏ bánh mỳ vỏ sử dụng loại bột mì nguyên chất, pha với men nhập khẩu từ Pháp, nên giá thành cao hơn, đảm bảo ổ bánh mỳ luôn giòn, dai mà không bị vỡ vụn.

Bí kíp tạo nên hương vị đặc biệt của bánh mỳ Phượng chính là món nước sốt theo công thức bí truyền. Bất kì phần nhân bánh mỳ nào khi kết hợp với nước sốt cũng đều mang tới hương vị hoàn hảo. Đến cả pate gan heo và thịt xay béo ngậy cũng được làm theo công thức riêng, không giống với bất kì hàng bánh mỳ nào khác.

Quán có mặt tiền không lớn. Khi bước vào quán, bạn sẽ nhìn thấy một chiếc tủ kính chứa hơn 20 loại nhân từ pate, thịt xá xíu, thịt nguội hồng, thịt gà, ruốc bông, chả thái lát đến xúc xích... cùng các loại nguyên liệu ăn kèm rau xanh, cà chua, dưa chuột, tương ớt... Sau quầy kính, từ chủ cho đến cả chục nhân viên lúc nào cũng thoăn thoắt đôi tay làm bánh mỳ cho khách.

Nguyên liệu cơ bản để làm nên chiếc bánh mì gồm pate, bơ, nước sốt, phần nhân sẽ tùy thực khách lựa chọn. Đầu tiên là phần thịt được xếp đều 2 bên, rau, dưa chuột ở giữa, sau đó rưới nước sốt, tương ớt phủ lên. Nhìn chung, thực đơn của quán khá đa dạng, với đủ hương vị từ truyền thống đến phương Tây để phục vụ mọi đối tượng khách hàng.

Bên trong tiệm có bày vài bộ bàn ghế đơn sơ, để khách ghé mua bánh mì có thể ngồi thưởng thức tại chỗ, tận hưởng ngay ổ bánh mỳ nóng giòn, thơm phức. Giá mỗi ổ bánh mỳ kẹp dao động từ 20.000 - 35.000 đồng, tùy phần nhân.

* Bài viết thể hiện quan điểm của nhân vật dựa trên trang web 2foodtrippers.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn