Khách hàng mất trắng hợp đồng bảo hiểm 1 tỷ đồng vì quên đóng phí, công ty thông báo: Do chị đi nước ngoài nên không thể liên lạc

Vì quên nộp phí, hợp đồng bảo hiểm của một người phụ nữ ở Trung Quốc đã bị vô hiệu lực. Nhưng thông báo của công ty bảo hiểm mới gây sốc.
Không được nhắc nhở nộp phí bảo hiểm
Theo Baidu, năm 2017, bà Kỷ, một người dân sống tại thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), đã mua sản phẩm "Bảo hiểm hưu trí hưởng thụ tài phú Anh Đại" của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Anh Đại Thái Hòa thuộc Tập đoàn Quốc gia Anh Đại. Từ tháng 7/2017, bà Kỷ sẽ đóng phí bảo hiểm 100.000 NDT (khoảng 357 triệu đồng) mỗi năm, dự kiến sau khi đóng đủ 4 năm sẽ bắt đầu nhận được khoản lợi tức cố định hàng năm.
Trong 3 năm đầu, nhờ có sự nhắc nhở từ các quản lý tài chính ngân hàng, bà Kỷ đều nộp đúng hạn và đầy đủ phí bảo hiểm. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020, bà không còn nhận được cuộc gọi nhắc nhở nào từ phía ngân hàng.
Mãi đến năm 2022, bà Kỷ mới hay tin hợp đồng bảo hiểm của mình đã hết hiệu lực và bị hủy bỏ. Tính đến thời điểm đó, bà đã đóng tổng cộng 300.000 NDT (tương đương khoảng 1 tỷ đồng). Dù nhiều lần gửi đơn xin khôi phục hợp đồng nhưng đều không thành công, bà còn được tư vấn nên chuyển sang sản phẩm bảo hiểm khác, đứng trước nguy cơ thiệt hại lên tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ.
Trước sự việc này, ông Phí – giám đốc công ty bảo hiểm, cho biết do nhân viên quản lý tài chính ngân hàng từng phụ trách liên hệ với bà Kỷ đã nghỉ việc, hồ sơ của bà được chuyển sang cho người khác tiếp quản. Tuy nhiên, người phụ trách mới lại phản hồi rằng thời điểm đó bà Kỷ đang ở nước ngoài nên không thể liên lạc. Điều bất ngờ là bà Kỷ khẳng định mình chưa từng ra nước ngoài, thậm chí còn chưa làm hộ chiếu.
Sau quá trình trao đổi và phối hợp, ông Phí cho biết sẽ tiếp tục báo cáo vụ việc lên tổng công ty, nỗ lực khôi phục hiệu lực hợp đồng. Cuối cùng, vào ngày 25/4, hợp đồng bảo hiểm của bà Kỷ đã được khôi phục.
Cách xử lí khi quá hạn nộp phí bảo hiểm
Trước vụ việc của bà Kỷ, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ quan điểm. Một số cho rằng thông thường các công ty bảo hiểm đều có quy trình nhắc nhở cụ thể, thường xuyên gửi tin nhắn thông báo để khách hàng không bỏ sót hạn đóng phí. Một số ý kiến khác lại cho rằng cần có các chương trình phổ cập kiến thức về bảo hiểm, giúp người dân hiểu rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia.
Ở Trung Quốc, cách xử lý khi quên đóng phí bảo hiểm có thể khác nhau tùy theo loại hình sản phẩm.
Theo các điều khoản thông thường của hợp đồng bảo hiểm, khi đến hạn đóng phí, công ty bảo hiểm thường sẽ cấp cho khách hàng một thời gian ân hạn, thông thường kéo dài 60 ngày. Trong thời gian này, dù chưa kịp đóng phí, hợp đồng bảo hiểm vẫn còn hiệu lực. Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời gian ân hạn, công ty bảo hiểm vẫn chi trả quyền lợi cho người được bảo hiểm nhưng sẽ trừ đi khoản phí bảo hiểm còn thiếu.
Nếu sau thời gian ân hạn mà khách hàng vẫn chưa đóng phí, hợp đồng sẽ bước vào giai đoạn tạm dừng. Trong thời kỳ này, nếu người được bảo hiểm gặp phải sự cố, công ty bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm chi trả. Thời kỳ tạm dừng thông thường kéo dài 2 năm. Trong khoảng thời gian này, bên mua bảo hiểm có thể nộp đơn xin phục hồi hợp đồng, nhưng phải đóng đủ phí bảo hiểm còn nợ và lãi phát sinh, đồng thời có thể phải thực hiện lại việc kê khai sức khỏe.
Nếu quá thời kỳ tạm dừng mà vẫn không phục hồi hợp đồng, hợp đồng bảo hiểm sẽ chính thức chấm dứt vĩnh viễn. Khi đó, công ty bảo hiểm sẽ hoàn trả giá trị hoàn lại của hợp đồng, nhưng số tiền này thường thấp hơn rất nhiều so với tổng phí đã đóng.
Vụ việc của bà Kỷ là lời nhắc nhở quan trọng đối với bất kỳ ai tham gia bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm, người dân không chỉ cần hiểu rõ quyền lợi mà còn phải nắm vững các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là thời hạn nộp phí và quy định về gia hạn. Việc chủ động theo dõi, đóng phí đúng hạn sẽ giúp tránh những rủi ro đáng tiếc như hợp đồng mất hiệu lực hay thiệt hại tài chính không đáng có.
Theo Sohu