Khách Hàn Quốc - nhóm kỹ tính, chịu chi của du lịch Việt

Sự việc khách Hàn say xỉn, tấn công người Việt đang chụp ảnh photobooth tại Hà Nội hôm 11/7 thu hút sự quan tâm của dư luận hai nước, khi Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ hai tại Việt Nam. Nhiều người Hàn đã bày tỏ sự xấu hổ vì hành vi của đồng hương. Công ty nơi một trong hai người Hàn Quốc có liên quan làm việc cho biết đã sa thải nữ nhân viên và gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam cùng những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc.
Bày tỏ quan điểm về sự việc trên, Phó Tổng giám đốc Du lịch Việt Phạm Anh Vũ cho biết đây là trường hợp cá biệt, không đại diện cho tính cách chung của khách Hàn. "Đa số họ đều thân thiện, tuân thủ pháp luật Việt Nam", ông Vũ nói về tệp khách chiếm tới 15% tổng lượng khách quốc tế của công ty.
Giám đốc Thương mại The Anam Group Martin Koerner cũng cho rằng hành vi đánh người này thuộc về cá nhân, không đại diện cho cộng đồng. "Tại The Anam, chúng tôi luôn có trải nghiệm tích cực, mối quan hệ tôn trọng, tốt đẹp với khách lưu trú Hàn Quốc", ông Koerner nói. Nhiều khách quay lại nhiều lần hoặc được khách Hàn khác giới thiệu.
Nguyễn Hải Phong, du học sinh từng sống 5 năm tại Hàn Quốc, cho biết sự việc hôm 11/7 không nói lên tính cách chung của người Hàn. Tuy vậy, anh "hiểu vì sao khách nữ Hàn kia lại hành động như vậy".
"Người Hàn Quốc tôi từng gặp thường khá nóng tính, khó tính, nghiêm khắc, đặc biệt là cách trưởng bối (người lớn tuổi hoặc thâm niên) đối xử với hậu bối (người trẻ, ít kinh nghiệm)", Hải Phong nói.
Hàn Quốc có một thuật ngữ mang tính châm biếm, kkondae, hay "người lớn tuổi bảo thủ và tự cao", thường chỉ nam giới ở vị trí quản lý trung hoặc cao cấp. Những người này thường đưa ra lời khuyên, đòi hỏi cấp dưới tuyệt đối nghe lời. Dù bị chỉ trích gay gắt, "kkondae" vẫn tồn tại như một phần không thể tách rời trong văn hóa công sở Hàn Quốc, nơi thứ bậc và vai vế luôn đóng vai trò quyết định. Điều này cũng phần nào thể hiện qua các bộ phim về công sở tại Hàn Quốc.
Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt cũng nhận xét đa số người Hàn nóng tính. Họ có thói quen làm gì cũng nhanh chóng. Nếu có người khác đang xếp hàng đợi đến lượt, thì người đứng trước sẽ cố gắng làm nhanh nhất có thể để người phía sau không phải đợi lâu. Khi vào các nhà hàng vắng khách nhưng phục vụ lâu, họ sẽ bày tỏ sự không hài lòng. Nhưng nếu nhà hàng phục vụ đồ ăn chất lượng, dịch vụ tốt, họ sẽ vui vẻ và có thể ngồi lại lâu hơn, dùng nhiều đồ hơn.
Bên cạnh đó, khách Hàn còn được biết đến là những người nghiêm túc, yêu cầu cao, thẳng thắn và chịu chi.
Các hướng dẫn viên chuyên khách Hàn của công ty Du lịch Việt cho biết mỗi khi dẫn đoàn, họ nhận được nhiều phản hồi từ du khách. Tệp khách này rất nghiêm túc tuân thủ lịch trình tour, kỹ tính và coi trọng sự chính xác về thời gian, dịch vụ an toàn, sự riêng tư và chất lượng. Họ thẳng thắn góp ý dịch vụ và các góp ý thường mang tính xây dựng, giúp nâng cao chất lượng.
"Khách Hàn kỹ tính nhưng không quá khó chiều", ông Vũ nói.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có 2,2 triệu lượt khách Hàn, chiếm 20% tổng lượng khách và đứng thứ hai trong danh sách các thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam, sau Trung Quốc.
Khách du lịch Hàn Quốc nổi bật với sở thích trải nghiệm dịch vụ cao cấp, du lịch sang trọng, thường ưu tiên lựa chọn khách sạn 4-5 sao, resort chất lượng, dịch vụ, giải trí trọn gói. Phần lớn khách Hàn sang Việt Nam tập trung chủ yếu vào hai trải nghiệm: chơi golf và nghỉ dưỡng. Họ thích các khu nghỉ ven biển, sử dụng các dịch vụ spa, massage thay vì mua sắm nhiều như khách Trung Quốc.
Ông Herbert cho biết khách Hàn thích dịch vụ chu đáo, cá nhân hóa và các trải nghiệm ẩm thực được chăm sóc kỹ lưỡng. Phần lớn họ là những người am hiểu, có gu thẩm mỹ cao, tiêu chuẩn khắt khe.
Các chuyên gia du lịch cho rằng sự kỹ tính hay đôi khi khó tính của người Hàn không phải là điểm trừ hay khiến ngành du lịch Việt phải lo lắng khi phục vụ tệp khách này. Thay vào đó, để ngày càng thu hút nhiều du khách hơn nữa, ngành du lịch Việt cần tập trung tìm hiểu cá tính, sở thích của từng thị trường khách, không riêng Hàn Quốc. Từ đó, ngành sẽ có các biện pháp, chiến lược cụ thể để phục vụ từng thị trường, giúp họ có những trải nghiệm trọn vẹn khi đến Việt Nam.
"Ngành du lịch Việt Nam luôn trân trọng sự đóng góp của du khách Hàn Quốc. Không nên vì một vài sự việc không mong muốn mà đánh giá sai lệch về một thị trường quan trọng", ông Vũ của Du lịch Việt nói.
Phương Anh