Kế hoạch táo bạo đưa trung tâm dữ liệu lên không gian của cựu CEO Google

Trái đất ngày càng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên vì AI, cựu CEO Google muốn thực thi một kế hoạch không tưởng.
Theo TechSpot, ông Eric Schmidt, gương mặt quen thuộc từng chèo lái Google qua giai đoạn hoàng kim đầu những năm 2000, lại một lần nữa gây xôn xao dư luận với một tầm nhìn đầy tham vọng. Theo đó, cựu lãnh đạo Google muốn di chuyển các trung tâm dữ liệu khổng lồ lên quỹ đạo Trái Đất.
Hiện giữ vai trò CEO của nhà sản xuất hàng không vũ trụ Relativity Space, ông Schmidt tin rằng đây là giải pháp cấp thiết cho cơn khát năng lượng ngày càng đáng báo động của trí tuệ nhân tạo (AI).
Đưa trung tâm dữ liệu AI ra vũ trụ liệu có khả thi?
Trong một phiên điều trần trước quốc hội Mỹ gần đây, cựu thuyền trưởng Google đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Ông nhấn mạnh rằng, trong khi một nhà máy điện hạt nhân trung bình của Mỹ sản xuất khoảng 1 gigawatt (GW) điện, một số trung tâm dữ liệu AI hiện đại đã được thiết kế để 'ngốn' tới 10 GW. Ông Schmidt dự báo nhu cầu này sẽ không dừng lại, có thể cần thêm 29 GW chỉ trong vài năm tới và vọt lên 67 GW vào năm 2030 - một quy mô công nghiệp mà ông thừa nhận là "chưa từng thấy trong đời".
Đứng trước viễn cảnh Trái Đất không đủ sức 'nuôi' sự phát triển vũ bão của AI tạo sinh, Schmidt đã đặt cược vào không gian. Việc ông mua lại cổ phần kiểm soát và trực tiếp điều hành Relativity Space được xem là bước đi chiến lược.
Công ty này nổi tiếng với công nghệ sản xuất in 3D tiên tiến để chế tạo tên lửa, điển hình là phương tiện phóng hạng nặng Terran R có khả năng tái sử dụng một phần và mang tải trọng lớn. Theo Schmidt, khai thác năng lượng mặt trời trực tiếp ngoài không gian là con đường khả thi duy nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng vô tận của AI, thay vì tiếp tục làm cạn kiệt tài nguyên trên hành tinh.
Quyết định này cũng cho thấy tầm nhìn xa của Schmidt khi Relativity Space là một trong số ít các công ty hàng không vũ trụ độc lập, không bị chi phối bởi các mục tiêu chính trị hay tham vọng cá nhân của các nhà sáng lập tỉ phú như SpaceX hay Blue Origin.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng việc đưa và vận hành các trung tâm dữ liệu trên quỹ đạo là một thách thức công nghệ và kinh tế khổng lồ, có thể vượt xa khả năng của tên lửa hiện tại. Hơn nữa, nếu 'bong bóng AI' đột ngột vỡ, cuộc khủng hoảng năng lượng mà nó tạo ra cũng có thể tan biến nhanh chóng, khiến siêu dự án này trở nên lãng phí. Tương lai của các 'trang trại máy chủ' ngoài không gian này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.