Kế hoạch B nào cho Iran nếu đàm phán với Mỹ thất bại?

TPO - Khi tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran đang gặp nhiều khó khăn, các nguồn tin cho biết giới lãnh đạo ở Tehran không có kế hoạch dự phòng rõ ràng nào nếu đối thoại với Washington thất bại.
Các nguồn tin cho biết, khi đàm phán rơi vào bế tắc vì những “lằn ranh đỏ” mà hai bên vạch ra, “kế hoạch B” của Iran có thể là chuyển sang Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington cùng với việc Mátxcơva đang bận bịu với chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến phương án dự phòng này trở nên mong manh.
![]() |
Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
“Kế hoạch B là tiếp tục chiến lược như trước khi tiến trình đàm phán bắt đầu. Iran sẽ tránh leo thang căng thẳng, nhưng sẵn sàng tự vệ. Chiến lược này cũng bao gồm việc củng cố quan hệ với các đồng minh như Nga và Trung Quốc”, một quan chức cấp cao của Iran cho biết.
Ngày 20/5, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei bác bỏ yêu cầu của Mỹ về việc ngừng làm giàu uranium, gọi đây là đòi hỏi “thái quá và vô lý”, đồng thời cảnh báo tiến trình đàm phán khó có cơ hội đạt được kết quả.
Sau 4 vòng đàm phán nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, hai bên vẫn còn nhiều trở ngại lớn chưa thể vượt qua. Tehran từ chối chuyển toàn bộ kho uranium làm giàu cấp độ cao ra nước ngoài và không chấp nhận thỏa hiệp về chương trình tên lửa đạn đạo của mình, các quan chức Iran và châu Âu cho biết.
Sự thiếu tin tưởng giữa hai bên sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 càng khiến Iran tin rằng họ cần phải nhận được cam kết của Washington sẽ không phá vỡ thỏa thuận trong tương lai.
Hiện nay, các lãnh đạo Iran đang phải xử lý hàng loạt khủng hoảng, từ thiếu năng lượng và nước, đồng nội tệ mất giá mạnh, các đồng minh khu vực suy yếu, đến nguy cơ bị Israel tấn công các cơ sở hạt nhân.
Từ khi ông Trump khôi phục chiến dịch gây áp lực tối đa lên Tehran, các nguồn tin cho biết giới lãnh đạo Iran “không có lựa chọn tốt hơn” ngoài việc đàm phán để tiến tới một thỏa thuận mới, nhằm tránh tình trạng hỗn loạn kinh tế trong nước và nguy cơ đe dọa chế độ.
Các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc trong những năm gần đây cho thấy Cộng hòa Hồi giáo dễ bị tổn thương trước cơn thịnh nộ của dư luận và các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
“Nếu không dỡ bỏ trừng phạt để cho phép bán dầu tự do và tiếp cận các nguồn quỹ, nền kinh tế Iran sẽ không thể phục hồi”, một quan chức Iran cho biết.
Con đường chông gai
Bà Wendy Sherman, cựu Thứ trưởng Ngoại giao từng dẫn đầu nhóm đàm phán Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và 6 cường quốc, cho rằng không thể thuyết phục Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân và ngừng làm giàu uranium, dù đó là điều lý tưởng.
“Điều đó nghĩa là các bên sẽ đi vào bế tắc, và chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ ông Trump mong muốn như vậy, vì ông ấy đã tranh cử với hình ảnh một tổng thống yêu chuộng hòa bình”, bà nói.
Hàng chục tổ chức kinh tế then chốt của Iran, bao gồm ngân hàng trung ương và công ty dầu khí quốc gia, bị trừng phạt từ năm 2018, với cáo buộc “hỗ trợ khủng bố hoặc phổ biến vũ khí”.
Khi được hỏi về các lựa chọn của Iran nếu đàm phán thất bại, bà Sherman cho rằng Tehran có thể sẽ “tiếp tục né tránh trừng phạt và bán dầu, chủ yếu cho Trung Quốc, có thể cả Ấn Độ và một số nước khác”.
Trung Quốc – khách hàng dầu mỏ chính của Iran – giúp Tehran duy trì nền kinh tế trong những năm qua. Tuy nhiên, sức ép gia tăng từ Tổng thống Trump lên các tổ chức thương mại và tàu chở dầu Trung Quốc đe dọa cả ngành dầu khí Iran.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc và Nga chỉ có thể hỗ trợ Iran ở chừng mực nhất định. Trung Quốc đòi hỏi mức chiết khấu cao khi mua dầu Iran và có thể ép giá thêm khi nhu cầu dầu toàn cầu suy giảm.
Nếu đàm phán sụp đổ, cả Bắc Kinh và Mátxcơva cũng khó có thể bảo vệ Iran khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Pháp, Anh và Đức, dù không tham gia trực tiếp tiến trình đàm phán Mỹ - Iran, cũng cảnh báo sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nếu không sớm đạt được thỏa thuận.
Theo nghị quyết Liên Hợp Quốc liên quan đến thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhóm E3 có thời gian đến ngày 18/10 năm nay để kích hoạt “cơ chế khôi phục trừng phạt” trước khi nghị quyết hết hiệu lực.
Một số nhà ngoại giao cho biết, các nước E3 có thể thực hiện điều này vào tháng 8 nếu không đạt được thỏa thuận thực chất vào thời điểm đó.
Các nhà ngoại giao cho biết, để đạt được thỏa thuận trước thời hạn đó, kịch bản tốt nhất là phải có một khuôn khổ chính trị ban đầu như năm 2013, trong đó hai bên đưa ra một số nhượng bộ cụ thể ngay lập tức, rồi sau đó tiến tới đàm phán chi tiết hơn.
“Không có lý do gì để nghĩ rằng có thể làm nhanh hơn năm 2013, nhất là khi các điều kiện và tình hình địa - chính trị hiện nay phức tạp hơn nhiều”, một quan chức cấp cao châu Âu nhận định.