Ít ai biết đường hầm bí mật dài 30m trong nhà của Biệt động Sài Gòn

Đường hầm bí mật này dài khoảng 30m, với 3 lối thoát, nối từ nhà ra bên ngoài, từng là nơi cất giấu vũ khí, che chở nhiều cán bộ hoạt động cách mạng thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Tại xã Thái Mỹ, H.Củ Chi, TP.HCM có một căn nhà hết sức đặc biệt với hệ thống hầm bí mật nối từ trong nhà ra bên ngoài sân vườn. Nơi đây từng là trạm trung chuyển thư từ, cất giấu vũ khí, che chở nhiều cán bộ hoạt động cách mạng.
Chủ nhân trước đây của căn nhà này là chiến sĩ biệt động Dương Văn Ten (liệt sĩ). Khi xưa, ông Ten sử dụng chính căn nhà của mình vừa làm chỗ ở cũng như làm nơi hoạt động cách mạng.
Bà Dương Thị Cám (70 tuổi), cho biết, ông Ten có tổng cộng 10 người con, bà là con thứ 8 trong gia đình. Ông Ten có 2 người tham gia cách mạng và đã hy sinh trong thời kỳ đó. Những người con còn lại cũng đều thoát ly, tham gia cách mạng và phụ giúp cha mẹ nuôi giấu cán bộ tại nhà.
Căn nhà được xây dựng vào khoảng năm 1950, sau đó ông Ten cùng những người con, đồng đội bắt đầu đào hầm từ năm 1955. Trải qua 10 năm ròng rã, căn hầm dùng để cất giấu vũ khí cũng hoàn thành.
Khi đó, bà Cám chỉ mới 16 tuổi nhưng cũng là nhân lực chính phụ giúp việc đào hầm. "Tôi không là người đào chính nhưng là cũng phụ chuyển và đổ đất đi cất giấu. Vào ban đêm, cả nhà mới bắt đầu đào hầm. Nơi đổ đất đào được thường là mương, ao hay các hố bom gần nhà. Đổ như vậy địch mới không biết", bà Cám kể lại.
Bà Cám còn làm nhiệm vụ cảnh giới, nếu người lạ nào đến bà đều báo để mọi người dừng đào và ẩn nấp.
Theo bà Cám, căn hầm được đào từ bên trong căn nhà, kéo dài ra khoảng sân vườn phía trước, dài khoảng 30m, nằm chệch về bên phải căn nhà. Bên ngoài, có 3 miệng hầm, nằm cách nhau vài mét, là nơi dùng để làm lối thoát cho cán bộ biệt động khi chẳng may bị địch phát hiện.
Hầm có chiều sâu cách mặt đất khoảng 3m, diện tích trần so với nền khoảng 1m, đủ để một người đi lại và xoay chuyển. Vách hầm được tạo từ đất sét pha đá ong có độ bền cao, ít bị sụt lở, chịu được sức công phá của một số bom đạn hạng nhẹ. Phía cuối đường hầm có không gian bí mật, khoảng 3m2 dùng để chứa vũ khí và cất giấu cán bộ. Khoảng năm 1967 - 1968, thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã từng ở đây và chỉ huy cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân.
Để ngụy trang cho đường hầm này, ông Ten dùng nhiều cách khác nhau như trồng cây trong chậu rồi đè lên, đắp đất như ụ mối. Bên trong nhà ông Ten làm một lớp nấp bằng gạch tàu. "Nhiều lần tôi chứng kiến cảnh địch vào nhà kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện được gì. Nền gạch tàu trên nấp hầm rất tự nhiên, nên địch vào rồi là không thấy gì và đi ra thôi", bà Cám chia sẻ.
Thời đó, bà Cám cũng nhiều lần chứng kiến cảnh quê hương mình bị dội bom ác liệt. May mắn thay, căn nhà và hầm đều vẫn trụ vững theo thời gian trong những lần giao tranh đó. Những trái bom lép, không nổ hay vỏ đạn pháo rơi gần nhà đều được gia đình bà giữ lại như vật chứng của lịch sử.