Nhảy đến nội dung
 

Iran trước bài toán khó với Mỹ

Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran giữa Mỹ và Iran tiếp diễn với cơ hội xen lẫn những động thái khó lường.

Iran chuẩn bị nhiều phương án

Iran ngày 23.4 chỉ trích Mỹ "thiếu nghiêm túc và thiện chí" khi tiếp tục áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu mỏ Tehran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei cho rằng động thái này hoàn toàn mâu thuẫn với đòi hỏi của Mỹ về đối thoại, đồng thời cũng cáo buộc Israel can thiệp và phá hoại vào các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra, theo The Times of Israel.

Song song đó, Iran "bật đèn xanh" cho nhóm chuyên gia kỹ thuật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới Tehran trong những ngày tới để thảo luận về việc khôi phục hoạt động giám sát hạt nhân. Ngày 23.4, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đánh giá đây là dấu hiệu đáng khích lệ của Iran trong việc đạt được thỏa thuận tiềm năng về chương trình hạt nhân. Ngoài ra, Iran còn tích cực vận động hành lang và tham vấn với Nga và Trung Quốc để thúc đẩy hơn nữa việc giải quyết vấn đề hạt nhân Tehran. Theo đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 23.4 đã đến Trung Quốc để tham vấn trước thềm cuộc gặp với Mỹ ngày 26.4 tại Oman.

Chuẩn bị kịch bản đàm phán hạt nhân đổ vỡ, Iran cũng tăng cường năng lực phòng thủ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ Mỹ và Israel. Theo đó, Iran được cho đang xây dựng 2 khu phức hợp ngầm với diện tích lớn liên kết với khu phức hợp hạt nhân chính của nước này, theo Reuters dẫn một báo cáo của Viện Khoa học và an ninh quốc tế (Mỹ). Phía Iran chưa bình luận về thông tin trên.

Chuỗi động thái trên của Iran diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 23.4 cho hay Iran có thể nhập khẩu vật liệu hạt nhân, thay vì tự sản xuất, đồng thời khẳng định lập trường Iran phải từ bỏ mọi hoạt động làm giàu uranium nếu muốn đạt được thỏa thuận và ngăn chặn mối đe dọa xung đột vũ trang. Dù còn hoài nghi về việc đạt được thỏa thuận, song ông Rubio khẳng định ưu tiên của Mỹ là giải pháp hòa bình, theo AP.

Vai trò đặc biệt của Oman

Các cuộc đàm phán gần đây giữa Mỹ và Iran tổ chức tại Oman đã chứng minh vai trò trung gian quan trọng của Oman ở khu vực vùng Vịnh. Hồi đầu tuần khi thăm Moscow, Quốc vương Oman Haitham bin Tariq Al Said cũng trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tiến trình đàm phán giữa các đại diện Iran - Mỹ ngay trước thềm vòng đàm phán thứ ba sắp diễn ra về chương trình hạt nhân Tehran. Thông tin đó một lần nữa cho thấy Oman đang là tác nhân đặc biệt mang tính cân bằng đứng giữa quan hệ phức tạp của các bên.

Giới chuyên gia cho rằng việc Oman được Iran chọn để chuyển tiếp phản ứng của mình với Mỹ xuất phát từ sự trung lập của Oman và sự tin tưởng lẫn nhau giữa Muscat và Tehran. Ngay từ năm 2013, Oman đã là nhà tổ chức cho các cuộc đàm phán bí mật, đặt nền móng cho thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết hồi năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức). Gần đây, Oman tiếp tục tổ chức những cuộc họp kín giữa đại diện Iran và Mỹ. Phát biểu từ chính giới các bên đều khẳng định sự tin tưởng đối với Oman.

Để giữ được vai trò này, Oman đã theo đuổi nhất quán các nguyên tắc trung lập, hòa giải và không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia khác. Thực tế vương quốc Hồi giáo này đã duy trì sự trung lập của mình đối với nhiều vấn đề nhạy cảm của khu vực. Thay vì sa lầy vào các đấu đá địa chính trị, Oman chọn mở rộng hợp tác đa dạng với nhiều đối tác, tránh các liên minh một chiều, đồng thời tận dụng lập trường trung lập của mình để thúc đẩy đối thoại bắt đầu từ trung gian mang tính kỹ thuật rồi dần mở rộng ra các đề xuất ngoại giao. Cách tiếp cận đó giúp Oman củng cố được vị thế và cũng giảm được rủi ro trên các bàn cờ cạnh tranh.