Xoá sổ 400.000 xe máy xăng chạy dịch vụ: TPHCM cho tài xế vay tiền mua xe điện?

Theo đề án, toàn bộ 400.000 tài xế xe công nghệ và giao hàng tại TPHCM sẽ chuyển từ chạy xe xăng sang điện.
Tại họp báo chiều 17/7, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện “Đề án Chuyển đổi xe hai bánh từ xe xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TPHCM”. Đề án sẽ được trình lên UBND TPHCM trong ngày mai (18/7).
Theo đề án, toàn bộ 400.000 tài xế xe công nghệ và giao hàng tại TPHCM mới sẽ chuyển từ chạy xe xăng sang điện.
Để có thể thực hiện được đề án, HIDS đề xuất, cơ quan Trung ương miễn thuế VAT xe điện và lệ phí đăng ký trước bạ trong vòng 2 năm. Động thái này nhằm tạo cú hích mạnh, khuyến khích các tài xế xe công nghệ chuyển đổi xe.
Theo lộ trình, năm 2026-2027, thành phố sẽ chuyển đổi được khoảng 80% số tài xế xe hai bánh công nghệ, tương đương 320.000 tài xế.
Tới năm thứ ba, năm 2028, chính sách miễn thuế VAT và lệ phí đăng ký trước bạ không còn được áp dụng, nhưng TPHCM vẫn tiếp tục cho tài xế vay tiền để chuyển đổi xe.
Năm 2029, HIDS kiến nghị TPHCM cấm hoàn toàn xe xăng hai bánh của tài xế công nghệ trên toàn bộ địa bàn thành phố sau sáp nhập.
Do đề án có ảnh hưởng trên diện rộng tới sinh kế của các tài xế thường xuyên chạy xe hàng ngày nên trong năm 2023, HIDS đã thực hiện cuộc khảo sát với 470 tài xế chạy xe xăng trên 3 nền tảng là Be, Grab và Gojek.
Khảo sát cho thấy, tiền đổ xăng của một tài xế là 70.000 – 100.000 đồng/ngày cho đoạn đường 100 – 150 km. Trong khi đó, tiền sạc điện của tài xế chạy xe trên nền tảng Xanh SM chỉ tốn khoảng 20.000 đồng/ngày.
“Tính toán thêm các chi phí cơ hội khác như tiền thay nhớt, mỗi tài xế chạy xe điện tiết kiệm được ít nhất 40.000 đồng/ngày. Với thời gian chạy bình quân là 25 ngày/tháng, mỗi tài xế xe điện tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng. Lợi ích kinh tế rõ rệt”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, con số khảo sát trên cũng đã được các tài xế chuyển từ sử dụng xe xăng sang điện xác nhận và họ cho rằng, khoản tiền tiết kiệm được còn nhiều hơn. Đây là căn cứ để HIDS khẳng định tính khả thi của đề án.
Về phương án chi trả tiền chuyển đổi xe, đại diện HIDS tính toán, nếu bán xe xăng cũ với mức giá bình quân là 8 triệu đồng, tài xế đã thanh toán được 20-25% giá trị của chiếc xe điện mới (khoảng 30 triệu đồng). Số tiền 24 triệu đồng còn lại, tài xế có thể trả góp trong khoảng 24-30 tháng.
“Số tiền trả góp tương ứng với mức tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng khi chuyển sang chạy xe điện”, ông Hải cho hay.