Xét xử vụ Phúc Sơn và chuyện các cựu lãnh đạo tỉnh bị doanh nghiệp thao túng

Theo đại diện VKS, các cựu cán bộ trong vụ án này đã bị doanh nghiệp thao túng, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu, do đó cần xử lý nghiêm.
Sáng 27/6, phiên tòa xét xử 41 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn tiếp tục với phần trình bày quan điểm giải quyết vụ án của đại diện VKS.
Đề nghị mức án đối với 41 bị cáo, đại diện VKS đưa ra quan điểm cho rằng, trong vụ án này, cả 41 bị cáo đều thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác nên quyết định giữ nguyên quan điểm truy tố.
Trong vụ án này, nhiều bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả.
Đại diện VKS cho rằng, còn có sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thuế, định giá tài sản. Việc này là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo.
Ngoài ra, các cán bộ, lãnh đạo cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng trong vụ án này đã suy thoái đạo đức, vì động cơ vụ lợi cấu kết với doanh nghiệp tạo lợi ích nhóm.
Theo đại diện VKS, những cán bộ này đã bị doanh nghiệp thao túng. Họ đã chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu nên cần xử lý nghiêm. Đối với các cán bộ có vị trí cao, đại diện VKS cho rằng cần có mức án cao hơn các bị cáo khác.
Đối với bị cáo đóng vai trò chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội phải chịu mức án cao hơn những bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
Đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Đưa ra mức án đề nghị, đại diện VKS cũng nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng nhiều bằng khen…