Xét tuyển ĐH 2025: Bách phân vị là gì, tác động đến điểm chuẩn ra sao?

Sáng nay (22.7), Bộ GD-ĐT công bố bảng đối sánh phổ điểm một số tổ hợp phổ biến, các trường ĐH sẽ dựa vào phương pháp bách phân vị để quy đổi điểm thi tương đương cho các phương thức, tổ hợp xét tuyển trước khi xác định điểm chuẩn. Vậy bách phân vị là gì và vì sao xét tuyển ĐH năm nay cần?
Tại công văn gửi các trường ĐH về việc đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, điểm học tập bậc THPT (điểm học bạ), Bộ GD-ĐT đã cung cấp phổ điểm các tổ hợp phổ biến của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT. Xét tuyển ĐH năm nay sẽ dựa vào phương pháp bách phân vị để xác định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp (nếu có) và từ đó xác định điểm chuẩn.
Từ dữ liệu này, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường ĐH chủ động xây dựng và công bố quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp xét tuyển, dựa trên cơ sở tham khảo đối sánh phổ điểm, bách phân vị tổng điểm một số tổ hợp môn truyền thống sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT sau khi được hiệu chuẩn. Các trường đồng thời dựa trên văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, môn chính xét tuyển của từng ngành/nhóm ngành, yêu cầu đặc thù của ngành, trường và thống kê, đánh giá kết quả học tập các năm trước.
Cho phép so sánh các thí sinh ở khác thang điểm
Về phương pháp bách phân vị, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết bách phân vị (Percentile Equating) là một đại lượng thống kê dùng để biểu thị vị trí tương đối của một điểm số trong một tập hợp dữ liệu.
Ví dụ như bạn đạt bách phân vị thứ 90, điều đó có nghĩa là bạn cao hơn hoặc bằng 90% tổng số người trong cùng nhóm tham chiếu. Ví dụ cụ thể: Nếu có 100.000 thí sinh dự thi, và bạn ở bách phân vị 90 thì bạn nằm trong top 10% cao điểm nhất.
"Bách phân vị không chỉ xét điểm tuyệt đối mà còn xét vị trí tương đối của thí sinh so với toàn thể. Về tác dụng trong xét tuyển, bách phân vị cho phép so sánh các thí sinh có cùng thang điểm nhưng ở các kỳ thi khác nhau (như các năm khác nhau) hoặc khác thang điểm (ví dụ học bạ THPT và thi tốt nghiệp THPT). Vì bách phân vị phụ thuộc vào phân phối điểm của toàn bộ thí sinh nên nó phản ánh tốt hơn vị trí của bạn. Và được dùng để quy đổi học bạ và kết quả thi về một thang chung, từ đó xây dựng điểm xét tuyển tổng hợp", thạc sĩ Sơn cho hay.
Để quy đổi hai thang điểm khác nhau như học bạ THPT và thi tốt nghiệp THPT bằng phương pháp bách phân vị, theo thạc sĩ Sơn, bước 1 là tính điểm trung bình từng thí sinh theo học bạ THPT hoặc thi tốt nghiệp THPT. Tiếp theo xếp hạng tất cả thí sinh theo từng nguồn điểm từ cao đến thấp. Bước 3 là xác định bách phân vị cho từng thí sinh dựa vào thứ hạng. Bước 4 là chuyển bách phân vị đó thành điểm xét tuyển theo quy tắc chung để xét tuyển.
Nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, thông tin thêm: "Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, phương pháp bách phân vị dựa trên phân bố điểm của 2 kỳ thi, xác định điểm ở cùng phân vị để chuyển đổi. Theo cách này, bách phân vị quy đổi điểm thành các mức phân vị, giúp chỉ ra vị trí của thí sinh trong tổng thể điểm của nhóm, có thể so sánh thí sinh trong mối quan hệ với những thí sinh khác tham gia kỳ thi".
Theo tiến sĩ Tuấn, năm nay Bộ GD-ĐT yêu cầu quy đổi ngưỡng đầu vào, điểm trúng tuyển giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển bảo đảm tương đương (theo phương pháp bách phân vị) về mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo tương ứng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, tránh tình trạng chênh lệch điểm như các năm trước khiến thí sinh có điểm cao không trúng tuyển.
Tiến sĩ Tuấn cũng cho rằng thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển dựa vào điểm sàn mà các trường đưa ra, không cần lo lắng băn khoăn về cách quy đổi ra sao vì đây là vấn đề kỹ thuật. Sau khi có đầy đủ dữ liệu thí sinh đăng ký, các trường ĐH mới thực hiện việc quy đổi và mỗi trường có một công thức, kết quả khác nhau do dữ liệu đầu vào khác nhau.