Nhảy đến nội dung
 

Xã hội hóa dịch vụ công: Tạo điều kiện cho tư nhân phục vụ người dân tốt hơn

Nhiều dịch vụ công được xã hội hóa thành công đã đem lại hiệu quả về nhiều mặt, tinh thần này cần được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực khác như đất đai, kiểm định chất lượng hàng hóa...

Theo nghị định 104 năm 2025 hướng dẫn Luật Công chứng, đến năm 2028 tất cả tổ chức hành nghề công chứng đều chuyển thành tư nhân, không còn tổ chức nào của cơ quan nhà nước. Như vậy, công chứng sẽ là dịch vụ công đầu tiên được xã hội hóa hoàn toàn sau một thời gian dài hoạt động kiểu nửa tư nhân nửa Nhà nước.

Người dân, đơn vị làm dịch vụ và Nhà nước đều được lợi

Trước thời điểm tư nhân được thành lập tổ chức hành nghề công chứng (Luật Công chứng năm 2007 có hiệu lực ngày 1-7-2007), TP.HCM có 7 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp.

Số lượng vụ việc công chứng và chứng thực toàn TP quá lớn nên 7 phòng phụ trách các công việc này theo địa giới hành chính và luôn trong tình trạng quá tải, người dân đến làm dịch vụ phải đi khá xa và chờ hàng giờ mới được công chứng và chứng thực giấy tờ. Có nhiều phản ánh về thái độ của nhân viên phòng công chứng chưa được vui vẻ, thân thiện với người dân...

Khi Luật Công chứng có hiệu lực, các tổ chức hành nghề công chứng tư nhân ra đời, xóa bỏ quy định về địa giới hành chính cho các phòng công chứng nhà nước, người dân có nhiều lựa chọn nơi thực hiện công chứng hơn "một cửa" trước đây. Dịch vụ chứng thực bản sao cũng được đưa về UBND các xã, phường chia lửa.

Lượng người dân chờ đợi tại các phòng công chứng nhà nước ít dần và tạo nên sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề công chứng về thời gian và thái độ phục vụ. Qua gần 20 năm xã hội hóa, các tổ chức hành nghề công chứng cả tư nhân và Nhà nước hiện nay đã trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ: chuyên nghiệp, cạnh tranh và tận tình.

Nay nghị định 104 đặt lộ trình đến hết năm 2028, các phòng công chứng nhà nước phải chuyển sang tư nhân hoặc giải thể, hoàn tất quá trình 20 năm xã hội hóa dịch vụ công chứng, chứng thực.

Những năm qua đã có một số dịch vụ công được xã hội hóa như đăng kiểm, đào tạo lái xe... Cũng như công chứng, lực lượng tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ công đôi khi có "chuyện này chuyện kia" trong quá trình cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên đa số dịch vụ hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, độc lập, người dân không còn phải chờ đợi.

Một số dịch vụ, người dân được quyền chọn nơi giao dịch nhanh gọn, tạo thuận lợi cho người dân và đem lại lợi nhuận cho hoạt kinh doanh của đơn vị cung cấp dịch vụ. Các dịch vụ này đã chia sẻ cho Nhà nước một khối lượng công việc đáng kể, giúp tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy cồng kềnh.

Khi nào xã hội hóa đăng ký nhà, đất?

Từ dịch vụ công chứng, người dân và doanh nghiệp rất mong nhiều dịch vụ hành chính công được xã hội hóa, tạo môi trường cạnh tranh để nâng chất lượng dịch vụ và người dân có nhiều lựa chọn. Trong đó có thể tính tới dịch vụ đăng ký nhà, đất.

Hiện nay, các văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, chi nhánh văn phòng ở địa phương nào thì đăng ký nhà, đất trên địa bàn đó. Giống như công chứng gần 20 năm trước: người dân chỉ có "một cửa" cung cấp dịch vụ: từ thủ tục đăng ký nhà, đất đơn giản nhất là sang tên không có biến động đến thủ tục phức tạp nhất là làm giấy tờ nhà, đất lần đầu.

Tình trạng hồ sơ làm thủ tục đăng ký nhà, đất bị trả lại nhiều lần, hướng dẫn không rõ ràng, bị yêu cầu nhiều loại giấy tờ không có trong văn bản và tình trạng trễ hẹn... đã giảm hơn so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều.

Quy định yêu cầu doanh nghiệp phải làm giấy hồng cho khách hàng chậm nhất sau 55 ngày bàn giao nhà, có chế tài đối với doanh nghiệp làm chậm, vi phạm quy định. Nhưng việc làm thủ tục đất đai cho người dân chậm, xử lý thủ tục không đúng hẹn... của văn phòng đăng ký nhà, đất thì ít khi bị chế tài.

Lâu nay rất nhiều ý kiến mong mỏi cơ quan thẩm quyền bỏ "địa giới hành chính" trong thủ tục đăng ký nhà, đất, tạo sự cạnh tranh (dù chỉ trong nội bộ các đơn vị hành chính sự nghiệp lẫn nhau) và thuận tiện cho người dân. Nhưng nhiều tỉnh thành vẫn cho rằng chưa đủ dữ liệu để xóa địa giới hành chính trong đăng ký nhà, đất.

Dịch vụ công chứng cũng từng giữ địa giới hành chính vì thiếu dữ liệu nhưng sau gần 20 năm xã hội hóa, công chứng đã xây dựng được kho dữ liệu dùng chung và hiện đang hoạt động rất chặt chẽ và hiệu quả. Trong khi đó, kho dữ liệu đất đai đã được Nhà nước xây dựng nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác để phục vụ người dân, dù có trả phí.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn