Vụ 'ma trận' nhà thầu ở kênh Tham Lương: Lãnh đạo Ban Hạ tầng lên tiếng

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã làm hơn hai năm nhưng vẫn chậm tiến độ. Dù có tới 68 nhà thầu chính tham gia, công trường nhiều nơi vẫn vắng vẻ, khối lượng thi công đạt hơn một nửa.
Vậy vì sao mỗi liên danh nhà thầu tại dự án kênh Tham Lương lại có tới 5 - 11 thành viên, đảm nhận các gói thầu có giá trị? Đây có phải là hình thức chia nhỏ gói thầu, hay nhà thầu không đủ năng lực phải kêu gọi thêm thành viên?
Những câu hỏi trên được báo Tuổi Trẻ đặt ra tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 17-7.
Tiến độ thực tế đạt 60 - 65%
Trả lời những vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư - Ban Hạ tầng) - cho biết có 9 gói thầu đã khởi công từ tháng 2-2023, riêng gói XL10 gặp trục trặc nên đến tháng 1-2024 mới triển khai.
Phần lớn các gói có thời gian làm 1.095 ngày (3 năm), theo hợp đồng sẽ hoàn tất vào tháng 3-2026. Tuy nhiên thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành sớm để chào mừng dịp 30-4-2025, chủ đầu tư đã thông xe kỹ thuật trước 4km đường ven kênh.
Tính đến nay, toàn dự án đã nghiệm thu được 52,62% khối lượng. Tuy nhiên thực tế đã đạt khoảng 60 - 65% do có những phần thi công xong nhưng chưa đủ điều kiện nghiệm thu, nên chưa được thanh toán và chưa cập nhật vào số liệu chính thức.
Tiến độ dự án hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt cát và đá. Trong bối cảnh nhiều công trình trọng điểm trên cả nước cùng triển khai, nguồn cung bị khan hiếm, một số nhà thầu đã phải chấp nhận lỗ để mua cát từ Campuchia nhằm đảm bảo tiến độ.
Ngoài ra địa hình xây dựng trải dài, bị ảnh hưởng bởi triều cường, cộng với yêu cầu kỹ thuật nhiều lớp phức tạp...
Chủ đầu tư cho biết vẫn giữ mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025, đồng thời hỗ trợ các nhà thầu tìm nguồn cung thay thế.
Đối với các trường hợp chậm tiến độ, ông Dũng khẳng định không "du di". Chủ đầu tư đã ban hành nhiều văn bản xử phạt và truy thu vi phạm hợp đồng để nộp lại ngân sách.
Ông Dũng xác nhận ngoài số lượng nhà thầu chính như báo Tuổi Trẻ đã viết (68 nhà thầu), dự án còn có 13 nhà thầu phụ, trong đó một số đơn vị tham gia cùng lúc nhiều gói thầu khác nhau.
Gói thầu nhỏ nhất 330 tỉ đồng, không phải "chia nhỏ"?
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết thêm việc chia thành nhiều nhà thầu liên danh không phải là cách để "chia nhỏ" gói thầu.
Theo ông, 10 gói xây lắp chính của dự án được phân chia theo địa hình thực tế như vị trí các cầu, đoạn kênh để thuận lợi cho triển khai và quản lý, đồng thời phù hợp với quy định về đấu thầu và thẩm định.
Gói thầu lớn nhất có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng, gói nhỏ nhất khoảng 330 tỉ, nên không gọi là chia nhỏ gói thầu.
Vấn đề một gói thầu có nhiều thành viên liên danh, ông Dũng cho biết tất cả hồ sơ đấu thầu đều được thực hiện qua mạng, theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Việc tham gia là công khai, hồ sơ được thẩm định bởi các cơ quan chuyên môn và đơn vị tư vấn độc lập.
Nếu tiêu chí không rõ ràng hoặc bất hợp lý, các nhà thầu có quyền phản hồi để được điều chỉnh.
Do đó ông Dũng cho rằng việc hình thành các liên danh nhiều thành viên là kết quả của mời thầu công khai và không trái quy định hiện hành.
"Với những nhà thầu tiếp tục vi phạm chậm tiến độ. Chủ đầu tư đã và sẽ họp tiếp tục với đại diện pháp luật của nhà thầu, yêu cầu đặt ra mốc thời gian rõ ràng, có những biện pháp phù hợp với quy định luật, hồ sơ đấu thầu để áp dụng", ông Dũng khẳng định.