Vợ xấu hổ khi phát hiện chồng có 500 triệu đồng quỹ đen

Ban đầu, cảm giác phản bội và giận dữ bủa vây, nhưng mọi thứ thay đổi khi cô biết lý do: Đó là số tiền người chồng tích cóp phòng khi gia đình lớn - tức ba mẹ chồng gặp biến cố, chứ không phải dùng cho tiêu xài cá nhân hay mối quan hệ nào khác.
Cô bạn tôi nói, ban đầu tính làm ầm ĩ lên, nhưng sau đó, cô thấy hai chục năm lấy nhau đến giờ, cô hơi vô tâm với gia đình bên chồng. Nhà chồng làm nông, không hề khá giả, ông bà cũng không có lương hưu. Mỗi năm, vợ chồng cô đều biếu một khoản tiền vào dịp Tết chứ không gửi hàng tháng. Mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc trong quan hệ vợ chồng đều là chuyện rất nhạy cảm.
Nhưng, tôi thấy có điều đáng suy ngẫm không nằm ở số tiền, mà là ở cấu trúc tài chính và niềm tin trong một gia đình Việt. Ai là người giữ tiền? Vì sao vẫn tồn tại khái niệm "quỹ đen"? Và điều đó nói lên điều gì về vai trò của đàn ông trong đời sống hôn nhân?
Trong nhiều gia đình Việt, đặc biệt là thế hệ trước, việc đàn ông đưa hết tiền lương cho vợ quản lý là điều phổ biến. Người vợ sẽ chịu trách nhiệm chi tiêu, mua sắm, tiết kiệm, còn người chồng chỉ giữ một khoản nhỏ để tiêu vặt.
Mô hình này tạo ra hình ảnh người đàn ông, nếu tay hòm tay chìa khóa thì bị cho là keo kiệt, đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Điều này dẫn đến trên thực tế, rất nhiều người chồng vẫn âm thầm để dành riêng một khoản, gọi là quỹ đen - để phòng thân, để có tiếng nói, hoặc đơn giản là để có cảm giác chủ động trong một phần cuộc sống.
Điều này phản ánh một nghịch lý khác: Đàn ông Việt được kỳ vọng là trụ cột tài chính, nhưng đồng thời lại ít được tin tưởng giao quyền kiểm soát tiền bạc trong gia đình.
Không phải ngẫu nhiên mà từ giữ tiền thường gắn với phụ nữ, còn từ quỹ đen lại gắn với đàn ông. Việc người chồng giấu tiền bị xem là không minh bạch, trong khi việc người vợ quản lý toàn bộ chi tiêu lại mặc định là chu toàn. Mô hình này lâu dần khiến tài chính gia đình trở thành sân chơi mất cân đối, nơi không phải lúc nào sự tin tưởng cũng được đặt đúng chỗ.
Cũng cần nói thêm, trong không ít trường hợp, chính sự vụng về trong chi tiêu hoặc cảm giác bị kiểm soát quá mức đã khiến đàn ông lựa chọn cách lặng lẽ giữ lại một phần tài chính cho riêng mình.
Họ không muốn phải xin lắt nhắt từng khoản cà phê, giao lưu với "anh em đội bóng"... Quỹ đen, khi đó, trở thành "quỹ tự trọng", thứ bảo vệ họ khỏi cảm giác bất lực về tài chính trong chính ngôi nhà của mình.
Tuy nhiên, tài chính gia đình không nên là cuộc chiến giằng co giữa hai người. Bài học từ câu chuyện trên không nằm ở việc nên hay không nên giấu tiền, mà là cách hai vợ chồng hiểu và chia sẻ trách nhiệm tài chính, về nỗi lo canh cánh trong lòng...
Thay vì mặc định ai giữ tiền mới là người có quyền, một mối quan hệ lành mạnh cần có sự phân chia minh bạch: ai phù hợp quản lý tiền thì người đó giữ, nhưng mọi quyết định lớn vẫn nên dựa trên sự đồng thuận và minh bạch.
Khi sự tin tưởng được đặt lên hàng đầu, không cần quỹ đen nào cả. Và nếu có, nó không còn là bí mật, mà là khoản dự phòng được cả hai cùng đồng lòng xây dựng. Một gia đình khỏe mạnh không phải là nơi không có những khoản tiết kiệm riêng, mà là nơi không ai cảm thấy bị loại ra khỏi những tính toán tương lai chung.
Thu Thủy