Nhảy đến nội dung
 

Việt Nam vượt nhiều cường quốc trên Bảng Chỉ số AI thế giới

Việt Nam xếp hạng 6/40 quốc gia trong Bảng Chỉ số AI Thế giới 2025, vượt qua hàng loạt nền kinh tế phát triển, cho thấy người Việt không chỉ cởi mở với công nghệ mới mà còn sẵn sàng đóng vai trò nổi bật trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Bảng xếp hạng được tổ chức WIN – Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu công bố ngày 16/7, dựa trên khảo sát hơn 33.000 người tại 40 quốc gia thuộc 5 châu lục.

Kết quả được tính toán dựa trên 7 chỉ số thành phần: mức độ sử dụng AI, mức độ tin cậy AI, mức độ chấp nhận AI, mức độ hiệu quả AI, khả năng sử dụng AI, mức độ thoải mái với AI, mức độ quan tâm đến AI.

Tại Việt Nam, khảo sát do Indochina Research thực hiện với 900 người ở 4 thành phố lớn, diễn ra từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025.

Với 59,2 điểm trên thang 100, Việt Nam xếp thứ 6, trên nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản trong bảng xếp hạng toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 3 về mức độ tin tưởng AI (65,6 điểm) và thứ 5 về mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm).

Dù niềm tin và sự quan tâm dành cho AI ở mức cao, mức độ sử dụng thực tế tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chỉ đạt 37,6 điểm – xếp thứ 17/40, mức thấp nhất trong 4 chỉ số thành phần.

Dữ liệu cho thấy khoảng 60% người được khảo sát từng dùng AI, nhưng chỉ 3% sử dụng hằng ngày.

Chênh lệch còn thể hiện rõ qua vị trí địa lý và độ tuổi: gần 90% người từ 18–24 tuổi ở Hà Nội và TP.HCM đã từng sử dụng AI, trong khi tỷ lệ này giảm mạnh ở Đà Nẵng, Cần Thơ, đặc biệt ở nhóm tuổi từ 55 trở lên.

Theo ông Xavier Depouilly, Tổng Giám đốc Indochina Research Vietnam, đây là tín hiệu cho thấy một bộ phận lớn dân cư đô thị tại Việt Nam – đặc biệt là giới trẻ – đang chủ động tiếp cận công nghệ mới.

“Thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sàng đón nhận công nghệ và điều đó đóng vai trò lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và chuyển đổi số của đất nước”, ông nói.

Ngoài ra, báo cáo của Indochina Research cũng hé lộ những quan ngại của người dùng đối với AI. Tương tự các nước châu Á – Thái Bình Dương, người Việt lo lắng nhất về quyền riêng tư dữ liệu, cách AI thu thập và sử dụng thông tin cá nhân (52%).

Khoảng 48% người tham gia khảo sát lo sợ bị AI thay thế trong công việc. Chỉ 36% bày tỏ lo ngại về thông tin sai lệch (deepfake, thao túng dư luận).

Indochina Research đánh giá, với mức độ tin tưởng và thái độ tích cực cao, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bứt phá trong cuộc đua AI toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, cần mở rộng khả năng tiếp cận AI đến các nhóm dân cư lớn tuổi và khu vực ngoài đô thị.

Song song đó là việc xây dựng hệ sinh thái AI tin cậy, an toàn và thân thiện với người dùng. Sự phát triển này không chỉ đến từ công nghệ mà còn cần sự hỗ trợ từ chính sách, giáo dục và truyền thông – nhằm rút ngắn khoảng cách số và lan tỏa công nghệ đến toàn dân.

Theo Indochina Research, vẫn còn một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận AI, do đó cần đẩy mạnh việc thử nghiệm, sử dụng và lan tỏa AI một cách rộng rãi hơn.

Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng quá trình phát triển này sẽ mang tính toàn diện và bao trùm, nhằm duy trì lợi thế hiện tại và vươn xa hơn trong tương lai.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn