Vì sao không tổ chức thi thừa phát lại?

Nhiều người dù đã hoàn tất khóa học về nghề thừa phát lại nhưng lại phải tốn thêm hàng chục triệu đồng để chuyển nghề, vì 5 năm nay Bộ Tư pháp không tổ chức thi kiểm tra kết quả tập sự.
Phải chuyển nghề vì không biết chờ đợi đến bao giờ
Anh Trần Minh Tuyên (32 tuổi, ở Đắk Lắk) và rất nhiều người đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bởi anh phải tốn nhiều tiền hết học nghề thừa phát lại (gần 13 triệu đồng), rồi lại phải học lớp luật sư (gần 40 triệu đồng). Nguyên nhân chỉ vì chờ mãi vẫn không thấy Bộ Tư pháp tổ chức lớp thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề thừa phát lại, nên anh dù tốn tiền và thời gian tập sự cũng không thể hành nghề.
Cụ thể, từ năm 2020, anh Tuyên đóng học phí gần 13 triệu đồng để tham gia lớp thừa phát lại khóa 5 của Học viện Tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp), cơ sở tại TP.HCM. Đến năm 2021, anh được Học viện cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề thừa phát lại. Ngay sau đó, anh gửi hồ sơ giấy đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề thừa phát lại tại Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk (cũ).
Năm 2022, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk có thông báo gửi anh Tuyên, ghi nhận anh đã hoàn thành tập sự 6 tháng tại Văn phòng Thừa phát lại Đắk Lắk. Sở Tư pháp cũng đã ghi tên anh Tuyên vào danh sách đề nghị Bộ Tư pháp cho tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề thừa phát lại. Sở này sẽ thông báo về việc nộp phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thừa phát lại khi có thông báo của Bộ Tư pháp.
Từ đó cho tới nay, anh Tuyên chưa nhận được bất cứ thông báo gì về việc này. Để mưu sinh, anh phải bỏ ra gần 40 triệu đồng tham gia khóa đào tạo nghề luật sư cũng tại Học viện Tư pháp.
"Học xong nhưng không thể hành nghề thừa phát lại, vì thế ảnh hưởng rất nhiều về kiến thức học. Tôi tha thiết mong Bộ Tư pháp sớm mở lớp thi, đồng thời hỗ trợ lớp ôn thi vì chúng tôi học xong đã quá lâu rồi", anh Tuyên bức xúc.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ái Khanh (48 tuổi, ở TP.HCM) cũng là học viên khóa 5 lớp thừa phát lại của Học viện Tư pháp. Đã nhiều năm nay, bà và nhiều học viên đang chờ Bộ Tư pháp tổ chức lớp thi.
Theo quy định, sau khi học xong, năm 2021, bà Khanh gửi hồ sơ tới Sở Tư pháp tỉnh Long An (cũ) để đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề thừa phát lại. Sau đó, Sở này có văn bản cho biết bà đã hoàn thành tập sự hành nghề thừa phát lại và đủ điều kiện để Bộ Tư pháp xem xét cho tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề thừa phát lại.
"Chúng tôi không biết đến khi nào Bộ Tư pháp mới tổ chức thi. Do chờ đợi quá lâu, tôi và nhiều bạn trong lớp đành phải chuyển hướng, tốn thêm tiền, thời gian đi học lớp công chứng, luật sư", bà Khanh nói.
Cũng theo bà Khanh, do không thể hành nghề thừa phát lại, kiến thức học cũng đã quá lâu, giờ Bộ Tư pháp có tổ chức thi thì bà và nhiều người sẽ gặp không ít khó khăn vì kiến thức đã bị mai một.
"Học viện Tư pháp năm nào cũng mở khóa học. Thế nhưng Bộ Tư pháp lại không có bất cứ thông báo nào về ngày tháng năm cụ thể để thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề thừa phát lại. Chúng tôi chỉ biết chờ đợi từ năm nay sang năm khác, thực sự rất hoang mang", bà Khanh chia sẻ.
Bà Khanh vẫn mong muốn được hành nghề thừa phát lại, nhiều lần tâm sự với các thầy cô của Học viện Tư pháp nhưng không ai trả lời được cho bà.
Ông Mai Công Pháo (58 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ thêm, Học viện Tư pháp vẫn tuyển sinh mỗi năm, nhưng ông cùng nhiều học viên khác học xong vẫn không thể hành nghề. Ông đành phải chuyển sang ngành nghề dịch vụ vệ sinh công nghiệp.
"Tôi lớn tuổi rồi, giờ chờ Bộ Tư pháp mở lớp thi thì lúc đó tôi đã quá tuổi hành nghề theo quy định là 65 tuổi. Nhiều người bạn tôi bức xúc vì để có tiền đi học phải vay ngân hàng và mất thời gian, giờ ai giải quyết?", ông Pháo nói.
Cơ quan có thẩm quyền nói gì?
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2016 đến nay, Học viện Tư pháp đã tổ chức hơn 10 khóa đào tạo nghề thừa phát lại và 4 khóa bồi dưỡng nghề thừa phát lại. Trung bình mỗi năm Học viện Tư pháp tuyển sinh 1 khóa và tổ chức thành 2 lớp (tại Hà Nội và TP.HCM).
Trao đổi với PV Thanh Niên, Cục Quản lý thi hành án dân sự (thuộc Bộ Tư pháp) cho biết, sau khi Nghị định 08 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại ban hành và có hiệu lực, đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa tổ chức thi kiểm tra tập sự hành nghề thừa phát lại.
Theo cơ quan này, nguyên nhân là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: thời điểm nghị định ban hành và có hiệu lực cũng là lúc đại dịch Covid-19 bùng nổ. Nhu cầu, sự hiểu biết của người dân về các công việc, dịch vụ do thừa phát lại thực hiện chưa nhiều dẫn đến sự phát triển của nghề thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại ít nhiều bị hạn chế. Ngoài ra, thời gian qua nhu cầu đăng ký các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề thừa phát lại cũng không nhiều, dẫn đến số lượng ít người có nhu cầu tham gia thi kiểm tra tập sự hành nghề thừa phát lại.
Tuy nhiên, khi PV hỏi: "Vậy số lượng ít người có nhu cầu tham gia thi kiểm tra tập sự hành nghề thừa phát lại, cụ thể là bao nhiêu?", Cục Quản lý thi hành án dân sự trả lời là chưa rõ số liệu, hiện đang khảo sát.
Cục Quản lý thi hành án dân sự đang xây dựng báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc tổ chức thi kiểm tra tập sự hành nghề thừa phát lại. Đây là lĩnh vực cục này mới tiếp nhận từ Cục Bổ trợ tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp) từ tháng 3.2025. Do vậy, Cục cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng để việc tổ chức kỳ thi đúng quy định, khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực và tạo nguồn thừa phát lại chất lượng.