Vì sao Hà Nội muốn cấm xe máy xăng trong Vành đai 2 từ tháng 7.2026?

Hà Nội sẽ xây dựng đề án vùng phát thải thấp, nghiên cứu mở rộng phạm vi cấm xe máy xăng trong phạm vi Vành đai 2 từ tháng 7.2026, thay vì chỉ nghiên cứu cấm xe trong Vành đai 1.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, trong quý 3/2025, UBND TP.Hà Nội phải lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp. Đồng thời thực hiện các giải pháp, biện pháp để các cá nhân, tổ chức chuyển đổi phương tiện, lộ trình từ 1.7.2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy xăng dầu - PV) lưu thông trong Vành đai 1.
Từ ngày 1.1.2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2.
Trước yêu cầu của Thủ tướng, TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu, xây dựng đề án vùng phát thải thấp, trong đó có nội dung cấm xe máy xăng trong Vành đai 2 từ tháng 7.2026, thay vì chỉ nghiên cứu cấm xe trong Vành đai 1.
Một lãnh đạo cấp sở của Hà Nội xác nhận, việc mở rộng hơn phạm vi vùng cấm xe máy xăng từ tháng 7.2026 so với yêu cầu của Thủ tướng nhằm bao trọn vùng nội đô lịch sử.
"Các sở chuyên môn của TP.Hà Nội đã bắt tay nghiên cứu, cố gắng hoàn thành đề án sớm nhất", vị lãnh đạo sở cho biết thêm.
Theo Quy hoạch GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, trong đó có 5 tuyến vành đai chính (gồm: Vành đai 1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (Vành đai 2,5 và 3,5).
Trong đó, Vành đai 1 dài 7,2 km gồm các tuyến đường, phố: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.
Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín dài 43,6 km, chạy qua các tuyến phố, địa điểm: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Cùng 2 cầu vượt sông Hồng trên Vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, 1 cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.
Theo quy hoạch, khu nội đô lịch sử của Hà Nội phủ khắp 4 quận cũ, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Sau khi HĐND TP.Hà Nội ra nghị quyết về vùng phát thải thấp, hồi tháng 6 vừa qua, tại buổi làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ triển khai kế hoạch chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện tại 4 quận nội đô, với các bước tiến hành cụ thể và được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tính đến hết tháng 4.2024, Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm.
Riêng trong phạm vi Vành đai 1 có khoảng 450.000 xe máy chạy xăng dầu và thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi cho người dân.