Vì sao du khách đánh lộn, buông thả khi đi du lịch?

Hầu như mỗi tuần, trên thế giới đều có một câu chuyện mới về khách du lịch vi phạm quy tắc ứng xử tại các điểm đến như tắm khỏa thân ở kênh đào Venice, đuổi theo geisha trên đường phố Nhật hay người Hàn Quốc đánh người địa phương khi đến Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: đây là hệ quả của sự buông thả cá nhân hay vì du khách chưa được chỉ dẫn kỹ lưỡng tại các điểm đến?
Theo số liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2024 ghi nhận khoảng 1,4 tỷ lượt khách quốc tế, tăng gấp 8 lần so với năm 1970. Trong khi con người ngày càng di chuyển nhiều hơn, thì hành vi ứng xử không đúng mực cũng gia tăng. Giáo sư Phaedra C. Pezzullo, chuyên gia về du lịch, nhận định xung đột văn hóa không mới. Ngày nay, con người có điều kiện đi xa hơn, nên những biểu hiện thiếu kiểm soát cũng nhiều hơn.
Không phải tất cả du khách hành xử kém đều do ý thức kém. Bà Judy Randall, CEO công ty nghiên cứu du lịch Randall Travel Marketing, Mỹ, cho rằng nhiều trường hợp xuất phát từ việc không được hướng dẫn đầy đủ. "Hành khách hạng thương gia không lịch sự hơn vì họ khác biệt, mà vì được đối xử tốt hơn", bà lấy ví dụ. Theo bà, nếu được chào đón và hướng dẫn cụ thể ngay từ đầu, du khách sẽ cư xử đúng mực hơn.
Nhiều thành phố như Rome, Dubrovnik hay Kyoto đã ban hành quy tắc ứng xử dành riêng cho khách du lịch. Italy cấm tắm trong đài phun nước, New Zealand mời du khách ký cam kết văn minh còn Croatia yêu cầu ăn mặc lịch sự và không tụ tập uống rượu nơi công cộng. Tuy nhiên, hiệu quả của các quy định này vẫn còn gây tranh cãi. "Không thể kỳ vọng ai cũng hiểu mọi quy tắc văn hóa ở nơi họ đến", chuyên gia Michael O'Regan từ Đại học Bournemouth, Anh, nói.
Một số nước, như Trung Quốc, còn phát hành cẩm nang dài hàng chục trang để nhắc nhở công dân khi đi du lịch. Tuy vậy, nhiều hành vi vẫn không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khác biệt văn hóa. Theo tiến sĩ Peter Tarlow, chuyên gia du lịch, khi rời khỏi nơi quen thuộc, nhiều người dễ buông thả, nghĩ rằng không ai biết mình là ai, nên dễ văng tục, say xỉn hay thậm chí phạm pháp - những điều họ không làm ở nhà.
Giáo sư Pezzullo khẳng định vai trò của giáo dục và chuẩn bị tâm lý trước mỗi chuyến đi. "Không thể mong ai đó trở thành du khách lý tưởng ngay khi họ đặt chân tới nơi mới", bà nói. Việc phổ biến quy tắc nên bắt đầu từ sớm, không chỉ khi họ đã đến nơi.
Theo tiến sĩ Monique Dillette, tình trạng này còn bị thúc đẩy bởi cách ngành du lịch đang vận hành. Bà phản đối du lịch đại trà - vốn khuyến khích khách đến thật đông, tiêu tiền thật nhiều mà thiếu sự kết nối với văn hóa địa phương. Thay vào đó, du lịch bản địa hóa, trải nghiệm quy mô nhỏ, gần gũi với đời sống người dân bản xứ sẽ giúp du khách hành xử ý thức hơn.
Chuyên gia Xavier Labourt cho rằng bản thân du khách cũng cần thay đổi tư duy. Không phải ai có điều kiện đi xa cũng sẵn sàng về mặt cảm xúc để rời khỏi vùng an toàn. Tâm thế chưa chuẩn bị khiến nhiều người phản ứng tiêu cực khi gặp điều lạ.
Dillette và Labourt cùng nhấn mạnh cốt lõi vấn đề là nhận thức: du lịch là một đặc quyền, không phải quyền hiển nhiên. Khi đến nơi nào đó, du khách là "khách đến nhà của người khác" và cần ứng xử tương xứng với vai trò ấy.
Du lịch có thể thay đổi cuộc đời, giúp con người kết nối và vượt qua rào cản. "Nhưng chỉ khi chúng ta thực sự suy nghĩ và hành động có trách nhiệm", tiến sĩ Dillette kết luận.
Anh Minh (Theo BBC, CNN)