Vì sao chảy nước mũi khi trời lạnh? - Báo VnExpress

Trả lời:
Lông mũi và lớp nhầy trên niêm mạc mũi giúp giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn trước khi không khí đi vào cơ thể. Mỗi ngày niêm mạc mũi xoang sản xuất khoảng 1-2 lít chất nhầy. Lớp chất nhầy này bao phủ quanh khoang mũi, bổ sung độ ẩm cho không khí khi đi qua trước khi xuống phổi, bảo vệ phổi khỏi khô hoặc kích ứng.
Không khí lạnh, khô kích thích các dây thần kinh bên trong mũi, từ đó gửi tín hiệu đến não. Não phản ứng với xung động này bằng cách tăng lưu lượng máu đến mũi và các mạch máu giãn nở, làm ấm không khí, đồng thời kích thích sản xuất nhiều dịch tiết hơn thông qua các tuyến nhầy để cung cấp độ ẩm, làm ẩm không khí đi qua.
Không khí lạnh và khô cũng kích thích các tế bào của hệ miễn dịch (gọi là tế bào mast) trong mũi. Những tế bào này sản xuất nhiều dịch hơn nhằm làm ẩm không khí. Bình thường chất nhầy này đi ngược qua mũi, xuống cổ họng đến dạ dày. Vi khuẩn trong chất nhầy sau đó bị tiêu diệt, chất nhầy được tái hấp thu và loại bỏ tự nhiên. Tuy nhiên, trong thời tiết lạnh, quá trình này bị cản trở.
Các tế bào lót trong khoang mũi có những sợi lông nhỏ gọi là lông mao, có chức năng đẩy chất nhầy ra phía sau. Trong không khí rất lạnh, chúng không hoạt động tốt. Khi chất nhầy nhiều hơn so với khả năng xử lý của mũi, không thoát ra ngoài kịp sẽ tích tụ trong khoang mũi, gây chảy nước mũi.
Tế bào mast ở người bị hen suyễn và dị ứng thường nhạy cảm hơn khi tiếp xúc chất kích ứng trong môi trường và thay đổi nhiệt độ. Ngoài nghẹt mũi, nhiều người còn có triệu chứng hắt hơi.
Chảy mũi khi trời lạnh không phải bệnh lý mà là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể để bảo vệ hệ hô hấp. Tuy nhiên, nếu nước mũi chảy kéo dài, kèm theo nghẹt mũi, ho, sốt, đau đầu, có thể bạn đã nhiễm lạnh hoặc viêm mũi xoang. Bạn nên đến bác sĩ Tai Mũi Họng khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
BS.CKI Võ Bá Thạch
Đơn vị Tai Mũi Họng
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |