Vi phạm giao thông: Đừng nghĩ sẽ thoát!

Việc người dân ghi lại và cung cấp bằng chứng vi phạm giao thông cho cơ quan chức năng được xem là hành động tích cực, thể hiện ý thức trách nhiệm công dân trong xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn.
Như Thanh Niên thông tin, Trạm Cảnh sát giao thông Ninh Hòa (Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa) đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông H.T.T.V (34 tuổi, trú H.Diên Khánh, Khánh Hòa), về hành vi vượt đèn đỏ tại Km 1421+310 quốc lộ 1, thuộc thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang, TX.Ninh Hòa.
Trước đó, ngày 26.4, trang Zalo của Phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận clip do người dân cung cấp, ghi lại cảnh ô tô biển số 79A-399.31 vượt đèn đỏ. Qua xác minh, xe thuộc sở hữu của một doanh nghiệp tại H.Khánh Vĩnh, giao cho ông V. điều khiển. Tại buổi làm việc với Phòng CSGT tỉnh Khánh Hòa ngày 29.4, ông V. thừa nhận, khoảng 16 giờ ngày 24.4, khi lưu thông trên quốc lộ 1, ông đã lái xe vượt đèn đỏ. CSGT đã xử phạt ông V. 19 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe theo quy định.
Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết người dân có thể chủ động phối hợp, gửi thông tin phản ánh vi phạm giao thông qua kênh Zalo của đơn vị (với số điện thoại 0346.345.579). Đây là một trong những kênh hiệu quả giúp lực lượng CSGT kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm giao thông.
Dân tố giác, CSGT ra tay
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ việc người dân ghi clip hành vi vi phạm giao thông và gửi cơ quan chức năng. "Hoàn toàn ủng hộ! Việc sử dụng video từ người dân làm bằng chứng để phạt nguội những hành vi vô ý thức như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, hoặc dừng đỗ trái phép, sẽ góp phần đáng kể vào việc xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh", BĐ Anh Khoa ủng hộ.
Cùng quan điểm, BĐ Trực Ngôn ý kiến: "Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc này. Tôi từng chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng do một người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ gây ra. Việc xử phạt nghiêm các vi phạm qua hình ảnh từ clip do người dân quay được như thế này là hoàn toàn cần thiết để ngăn chặn những hành vi tương tự".
Còn BĐ Diệu Hân viết: "Cần làm rộng khắp cả nước. Việc phạt nguội những thành phần vô ý thức dựa trên hình ảnh người dân cung cấp không chỉ giúp giao thông an toàn hơn mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông".
"Thay vì chỉ phạt tiền, có thể kèm theo hình thức công khai trên các bảng điện tử giao thông hoặc ứng dụng biển số xe và lỗi vi phạm, tất nhiên phải đảm bảo yếu tố pháp lý và quyền riêng tư. Hình thức này có thể tạo ra áp lực xã hội lớn hơn. Đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần bị người dân ghi lại, có thể áp dụng hình thức "cảnh báo đặc biệt" gửi đến cơ quan, doanh nghiệp nơi người đó làm việc, tạo thêm một tầng răn đe", BĐ Quang Minh góp ý.
Cần rà soát, hoàn thiện hạ tầng giao thông
Theo BĐ Triệu Khang, việc người dân cung cấp bằng chứng vi phạm và cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm là cần thiết, nhưng về mặt quản lý, nhà nước cũng cần chủ động và thường xuyên rà soát, đảm bảo chất lượng hạ tầng giao thông, trong đó hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo phải hoạt động hiệu quả và chính xác. "Vì những bất cập trong hệ thống hạ tầng giao thông có thể dẫn đến những tình huống giao thông phức tạp, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và thậm chí là nguyên nhân dẫn đến vi phạm không đáng có", BĐ này ý kiến thêm.
Tương tự, BĐ Đức Nguyên cho rằng: "Để có môi trường giao thông an toàn, văn minh và hiệu quả hơn, cần thực hiện đồng thời hai việc: xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông. Khi đó, người dân sẽ cảm thấy công bằng hơn vì nhận thấy mọi yếu tố đều được chú trọng và đảm bảo, từ ý thức tự giác tuân thủ luật lệ của người tham gia giao thông đến trách nhiệm quản lý của nhà nước".
"Tôi mong rằng người dân cả nước sẽ đẩy mạnh việc này, qua đó kiến tạo một hệ thống giám sát giao thông hiệu quả từ cơ sở, từ đó từng bước hình thành một văn hóa giao thông tự giác và tuân thủ trong cộng đồng", BĐ Quang Huy ý kiến.