Về miền Tây ngắm hàng thốt nốt trăm tuổi, nghe chuyện nấu đường ở Vĩnh Long

Về miền Tây ngắm hàng thốt nốt ở Vĩnh Long - biểu tượng văn hóa Khmer gắn với nghề nấu đường truyền thống, mang đậm hương vị quê hương.
Tại xã Lưu Nghiệp Anh, tỉnh Vĩnh Long, những hàng thốt nốt vươn cao giữa cánh đồng lúa mênh mông, len lỏi theo các con đường làng uốn lượn, tạo nên bức tranh thiên nhiên bình dị mà lay động lòng người.
Ông Huỳnh Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh cho biết, số lượng cây thốt nốt ở địa phương không nhiều, chỉ khoảng 50 - 60 cây mọc phân tán. Tương tự một số xã lân cận, cây thốt nốt cũng được trồng rải rác. Bao đời nay, nghề nấu đường thốt nốt đã quá quen thuộc với người dân địa phương. Ngoài 1 cơ sở thu mua và nấu đường thốt nốt quy mô, đa phần người dân xã Lưu Nghiệp Anh đều có nghề tự nấu đường thốt nốt để sử dụng hay bán.
Theo người dân địa phương, cây thốt nốt không chỉ là mang đậm nét đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long nói riêng, miền Tây nói chung mà còn có rất nhiều công dụng. Có thể kể như lá thốt nốt để lợp mái nhà; thân dùng làm cột, kèo; quả thốt nốt có cơm ngọt thanh, giòn dẻo; riêng phần nước thanh mát, ngọt lịm lấy từ nhụy hoa thốt nốt có thể làm nước uống giải khát. Đặc biệt, chế biến thành đường thốt nốt, thời ngon nức tiếng.
Ngoài những thực phẩm tươi được ưa thích từ cây thốt nốt, đường thốt nốt được dùng làm bánh bò thốt nốt, loại bánh bò phổ biến có màu nâu óng, được kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy đã chinh phục nhiều thực khách khó tính.
Anh Thạch Minh Hiếu, thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghề nấu đường thốt nốt ở xã Lưu Nghiệp Anh, chia sẻ, từ hồi nhỏ anh Hiếu đã quen mùi khói, mùi mật thốt nốt rồi. "Từ thời ông nội, rồi tới ba tôi, cứ đến mùa thốt nốt là cả nhà rộn ràng như hội. Sáng sớm trèo cây, chiều về nhóm lửa nấu mật. Cực lắm, nhưng thấy giọt mật sánh lại, vàng óng, thơm lừng… tự nhiên trong lòng thấy vui. Nghề này không giúp giàu có, nhưng là cái gốc của gia đình mình", anh Hiếu vui vẻ nói.
Hương vị thơm ngon mang đậm những nét đặc trưng của vùng miền, những sản phẩm từ cây thốt nốt được nhiều người biết đến và được ưa chuộng. Vị ngọt tự nhiên của đường thốt nốt còn được dùng làm gia vị cho bữa ăn hằng ngày, dùng làm nước chấm, kho cá, làm đa dạng và phong phú cho ẩm thực.
Anh Thạch Sô Thông, người gắn bó hơn 10 năm với nghề nấu đường thốt nốt ở xã Lưu Nghiệp Anh, trăn trở, nghề này cực lắm, đến mùa là ngày nào cũng phải trèo cây từ sáng sớm, rồi về nhóm lửa nấu mật đến tối. Giá cả thì bấp bênh, đầu ra cũng không ổn định. Làm nghề không dám mơ làm giàu, chỉ mong giữ lại hương vị quê hương, giữ cái nghề ông cha để lại.
Cây thốt nốt không chỉ tạo nên vị ngọt đặc trưng của loài cây ở miền Tây, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Khmer Nam bộ. Giữa nhịp sống hiện đại, những hàng thốt nốt vẫn lặng lẽ vươn mình trên những cánh đồng, trở thành biểu tượng văn hóa, bản sắc vùng đất Vĩnh Long.
Cây thốt nốt không chỉ là câu chuyện của một loại cây, một nghề truyền thống, mà là giá trị di sản cần được bảo tồn, phát huy và kết nối với du lịch cộng đồng - hướng đến một tương lai phát triển bền vững cho vùng đất Vĩnh Long.