Nhảy đến nội dung
 

VĐV Việt Nam kiếm tiền từ thương hiệu cá nhân: Động lực để giữ gìn sự nghiệp

Nếu xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng số, các VĐV sẽ có thêm cảm hứng để tập luyện và thi đấu gặt hái thành công nhằm giữ gìn hình ảnh trong mắt công chúng.

NỖI LO VÔ HÌNH

Trong khi các VĐV đỉnh cao ở những nền thể thao phát triển đã tận dụng tốt nền tảng mạng xã hội để làm hình ảnh, kiếm thêm nguồn thu nhập chân chính, thì nhiều VĐV VN dường như vẫn ngại chuyện xây dựng thương hiệu. "Tôi muốn tập trung tối đa cho thi đấu. Nếu sa đà vào những hoạt động khác ngoài thể thao dẫn đến thành tích không tốt, sợ rằng các thầy (HLV, trưởng bộ môn) sẽ đánh giá VĐV sao nhãng chuyên môn, rồi người hâm mộ sẽ gây áp lực, nói rằng VĐV không chu toàn cho chuyện thi đấu", một VĐV VN trải lòng.

Đó là tư duy phổ biến đã chi phối thể thao VN trong nhiều năm qua. Rằng với thể thao, thành tích là yếu tố tiên quyết tạo nên đẳng cấp VĐV. Hoàn toàn đúng khi tin rằng VĐV phải tập trung dồn sức thi đấu, bởi thu nhập của giới thể thao VN hiện nay chủ yếu đến từ tiền thưởng thành tích (từ nguồn nhà nước và doanh nghiệp) và lương. Thi đấu tốt, có thành tích đồng nghĩa có tiền thưởng theo quy định.

Tuy nhiên, tiền thưởng thành tích sẽ chỉ đi cùng VĐV trong thời gian thi đấu, thường kéo dài 10 - 12 năm (với một số môn đặc thù VĐV chỉ thi đấu khoảng 6 - 8 năm). Ngoại trừ những môn có lực lượng người hâm mộ đông đảo như bóng đá, với tiền thưởng lên đến vài trăm triệu, thậm chí vài tỉ đồng cho mỗi giải đấu trong nước và quốc tế thì các môn thể thao khác ở VN phần lớn chật vật.

Bởi vậy xây dựng thương hiệu trên nền tảng số để nâng tầm hình ảnh, tạo dựng cộng đồng người hâm mộ, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp… là con đường bền vững để VĐV VN gia tăng thu nhập. Trở lại với câu chuyện ban đầu khi có những VĐV VN lo ngại nếu chăm chút hình ảnh nhưng không thi đấu thành công, sẽ có nguy cơ bị đánh giá là sao nhãng không tập trung vào chuyên môn. Dễ thấy nhất là ở môn bóng đá, một số cầu thủ VN từng bị công kích mải đi đóng quảng cáo mà quên nhiệm vụ chính. Cá biệt có những gương mặt bị CĐV vào tận trang cá nhân chỉ trích vì thi đấu không tốt.

Chính tư duy này khiến không ít VĐV VN tránh xa ống kính truyền hình, ngại trả lời phỏng vấn báo chí, thậm chí… sợ nổi tiếng, không muốn được người hâm mộ biết mặt, quan tâm.

KHI ÁP LỰC CHUYỂN THÀNH ĐỘNG LỰC

Nhìn trên góc độ tích cực, việc xây dựng thương hiệu cho giới thể thao là nếu sở hữu hình ảnh đẹp trên mạng xã hội, hợp tác với nhiều nhãn hàng, VĐV VN có thêm động lực để tập luyện và duy trì thành công.

Bởi nếu gặt hái thành tích tốt, đồng nghĩa sức lan tỏa thương hiệu có mồi lửa để "cháy" ổn định, VĐV càng đảm bảo được nguồn thu nhập từ quảng cáo, thương mại…, thay vì trước đây dù thi đấu nổi trội hay không, chênh lệch thu nhập cũng không quá nhiều.

Đồng thời, khi dấn thân vào con đường trở thành người của công chúng, VĐV sẽ được học cách (và có ý thức hơn trong việc) giữ gìn hình ảnh, như cư xử chuẩn mực cả trong lẫn ngoài thi đấu, duy trì lối sống lành mạnh, tự gò bản thân vào khuôn khổ chuyên nghiệp, có động lực thi đấu bền bỉ để kéo dài sự nghiệp, vượt qua giới hạn.

Thể thao VN không thiếu những tấm gương sở hữu thương hiệu cá nhân tốt và vẫn đảm bảo thành tích thi đấu ấn tượng, nhờ kết hợp hài hòa cả hai yếu tố này để tạo dựng sự nghiệp lý tưởng. Ngoài các ngôi sao bóng đá vốn quen mặt với người hâm mộ, còn có những gương mặt thể thao nổi trội ở các môn khác như: Nguyễn Thị Oanh (điền kinh); Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Tiến Minh (cầu lông); Châu Tuyết Vân (taekwondo); Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung); Nguyễn Huy Hoàng (bơi); Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ)...

Việc sở hữu thương hiệu cá nhân sẽ giúp VĐV chuyên nghiệp, chỉn chu và biết cách chăm sóc, giữ gìn sự nghiệp hơn, tận dụng hình ảnh không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn đóng góp cho xã hội, thúc đẩy thể thao cộng đồng. Tiến Minh đã trở thành đại sứ cho một thương hiệu để theo đuổi dự án chắp cánh giấc mơ cầu lông cho hàng trăm VĐV nhí; Huy Hoàng tham gia nhiều chương trình phổ cập bơi lội, phòng chống đuối nước, lên vùng cao để dạy bơi cho trẻ em; hay Nguyễn Thị Oanh là nguồn cảm hứng của nhiều chân chạy phong trào.

Tuy chưa phải số đông, song thành công theo kiểu "mũi tên trúng hai đích" của những VĐV tiêu biểu cũng phá bỏ luận điểm "VĐV chỉ nên tập trung vào chuyên môn thi đấu" như chiếc vòng kim cô đã gò bó nhiều thế hệ, khiến nguồn tài nguyên từ kinh tế thể thao bị lãng phí, dẫn đến thể thao chưa thể tự kiếm tiền nuôi mình, mà phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. (còn tiếp) 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn