Ung thư tuyến giáp: Vì sao nữ có xu hướng mắc bệnh cao hơn nam?

Ung thư tuyến giáp nằm trong 10 loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam, với tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương, Phòng khám Hỗ trợ điều trị ung thư, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho hay nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp gấp khoảng 3 lần so với nam giới.
Nguyên nhân của sự khác biệt nguy cơ
Theo bác sĩ Diễm Hương, sở dĩ có sự khác biệt về nguy cơ và tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nam và nữ là do nội tiết tố sinh dục nữ (estrogen) có ảnh hưởng đến sự phát triển và biệt hóa tế bào tuyến giáp. Một số nghiên cứu cho thấy estrogen có thể làm tăng biểu hiện gien tiền ung thư (oncogenes).
Ngoài ra, các thay đổi nội tiết trong thai kỳ, sau sinh, mãn kinh… làm tuyến giáp nhạy cảm hơn với những tổn thương.
Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng cơ năng thường “nghèo nàn”. Tình huống lâm sàng thường gặp nhất là bệnh nhân tự phát hiện hoặc đi khám sức khỏe định kỳ thấy u.
“Ở giai đoạn muộn hoặc khối u xâm lấn, có thể xuất hiện triệu chứng như: Chèn ép, xâm lấn dây thần kinh quặt ngược gây khàn tiếng. Đây là đặc điểm có thể gợi ý khối u giáp là ung thư, bởi khối u giáp lành tính hiếm khi gây khàn tiếng. Đáng chú ý, biểu hiện khàn tiếng kéo dài của bệnh còn dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý khác như viêm họng mạn, viêm thanh quản, trào ngược dạ dày thực quản”, bác sĩ Diễm Hương nhấn mạnh.
Có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Ung thư tuyến giáp có thể được chia thành 4 loại: Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang, ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy và ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hóa. Cụ thể:
Ung thư tuyến giáp biệt hóa (Dạng nhú hoặc dạng nang): Chiếm khoảng 90%, có tỷ lệ tử vong thấp.
Ung thư tuyến giáp không biệt hóa: Chiếm khoảng 5%, tất cả các bệnh ung thư tuyến giáp không biệt hóa đều được xem là giai đoạn 4, phản ánh khả năng điều trị thành công thấp.
Ung thư tuyến giáp dạng tủy: Chiếm khoảng 1-5%, thường có tính chất di truyền.
Theo nghiên cứu tại Anh (2013-2017), 84% bệnh nhân ung thư tuyến giáp sống sót trong 10 năm hoặc hơn. Các yếu tố có thể ảnh hưởng tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp gồm:
Loại khối u: Là yếu tố để dự đoán khả năng điều trị quan trọng nhất đối với ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp thể nhú có kết quả tốt nhất, bệnh có xu hướng đáp ứng tốt với điều trị. Ngược lại, ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa lại có triển vọng điều trị không cao.
Tuổi tác: Những người dưới 55 tuổi có tiềm năng điều trị và hồi phục thuận lợi hơn.
Yếu tố di truyền: Người mắc ung thư tuyến giáp thể tủy thường có diễn tiến bệnh nghiêm trọng. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các yếu tố như giai đoạn chẩn đoán, mức độ đáp ứng với phương pháp điều trị cũng góp phần ảnh hưởng tới tỷ lệ sống của bệnh nhân. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp tăng tỷ lệ sống sau 5 năm cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp.