Tỷ phú phất lên nhờ bất động sản, liều lĩnh làm xe ô tô rồi nhận kết đắng

TRUNG QUỐC - Từ kỹ sư công nghệ thực phẩm, Diêu Chấn Hoa từng gây chấn động giới tài chính Trung Quốc khi một mình khuấy đảo thị trường chứng khoán, thâu tóm cổ phần tại các tập đoàn lớn, tuyên bố đầu tư hàng trăm tỷ vào sản xuất ô tô nội địa.
Hào quang lên quá nhanh đã biến ông thành biểu tượng của một thời đại "phát tài bằng đòn bẩy" nhưng cũng chính mô hình đó đẩy ông vào vực thẳm khi con sóng tín dụng rút đi.
Từ ruộng rau thành ‘vua bán rau’
Giữa lòng Thâm Quyến hoa lệ và đắt đỏ bậc nhất Trung Quốc, hình ảnh một người đàn ông trung niên mặc áo sơ mi đơn giản, ngồi ăn tô mì bình dân bên vỉa hè khiến mạng xã hội xôn xao. Không ai ngờ, đó là Diêu Chấn Hoa - từng là tỷ phú tự thân nổi danh với những thương vụ địa ốc táo bạo bậc nhất quốc gia tỷ dân.
Sinh năm 1970 tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Diêu Chấn Hoa có một khởi đầu rất bình thường. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thực phẩm và kỹ thuật quản lý công nghiệp tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, ông làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước nhưng sớm rời bỏ công việc ổn định để dấn thân vào thương trường bằng một con đường “kỳ quặc”: thuê đất trồng rau.
Ông thức dậy từ 3h sáng để lấy hàng, tự lái xe ba bánh đi giao tận nơi, tối về ngồi trong kho tính sổ sách. Cách tiếp cận thị trường cực kỳ sát thực tế khiến ông nhanh chóng hiểu rõ hành vi tiêu dùng và có mô hình vận hành tối ưu.
Diêu Chấn Hoa không chỉ dừng lại ở việc bán lẻ, ông còn tiên phong xây dựng mô hình tích hợp “từ nông trại đến siêu thị”, chuyển đổi từ chợ truyền thống sang chuỗi siêu thị thực phẩm sạch, đồng bộ từ canh tác, chế biến đến phân phối.
Trong vòng 6 năm, ông đã mở 15 siêu thị tại Thâm Quyến và được trao giải thưởng đổi mới quốc gia Trung Quốc.
Cú xoay trục ‘táo bạo’: Bỏ rau, ôm đất, thành đại gia địa ốc
Năm 1998, nhận thấy giá đất tại Thâm Quyến bắt đầu nóng lên, Diêu Chấn Hoa dùng tiền từ kinh doanh rau để đấu giá hai mảnh đất vốn định làm chợ đầu mối.
Tuy nhiên, bước ngoặt đến khi một ngân hàng đang tìm đối tác hợp tác phát triển dự án nhà ở. Nắm bắt cơ hội, ông nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất sang xây dựng nhà thương mại. Sau đó, ông thỏa thuận nhận ứng trước vốn từ ngân hàng, đồng thời lấy chính mảnh đất đó làm tài sản thế chấp để tiếp tục vay thêm.
Đó là một chuỗi đòn bẩy tài chính táo bạo, rủi ro cao nhưng đem lại hiệu quả vượt mong đợi.
Hai năm sau, Diêu thu về hơn 3 tỷ NDT (khoảng 10,9 nghìn tỷ đồng) từ dự án “Trung Cảng Thương Mại Thành”, đặt nền móng cho sự ra đời của Tập đoàn Bảo Năng (Baoneng Group) năm 2000. Từ đó, ông bắt đầu hành trình trở thành ông trùm bất động sản phía Nam Trung Quốc.
Năm 2015, khi thị trường A-share (thị trường cổ phiếu niêm yết trong nước) biến động mạnh, Diêu bất ngờ tung một đòn chiến lược táo bạo: thông qua 2 công ty con là Tiền Hải Nhân Thọ (Qianhai Life) và Tụ Thắng Hoa (Jushenghua), ông sử dụng dòng tiền từ bảo hiểm để âm thầm gom cổ phiếu của Vanke - tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc.
Chỉ trong 3 lần “giơ biển mua”, ông nâng tỷ lệ sở hữu lên 25,4%, vượt qua cả tập đoàn mẹ China Resources, trở thành cổ đông lớn nhất của Vanke.
Dù cuối cùng phải thoái vốn và chịu lệnh cấm tham gia thị trường tài chính 10 năm vì lạm dụng dòng tiền bảo hiểm, ông vẫn bỏ túi hơn 500 tỷ NDT (khoảng 1.820 nghìn tỷ đồng).
Cú ngã ngựa mang tên 'quá liều'
Sau chiến thắng ở mảng địa ốc và tài chính, Diêu tiếp tục nuôi mộng “công nghiệp hóa quốc gia”. Năm 2017, ông chi 66,3 tỷ NDT (khoảng 241 nghìn tỷ đồng) thâu tóm 51% cổ phần thương hiệu ô tô nội địa Trung Quốc Qoros Auto, với tuyên bố sẽ đầu tư hơn hàng trăm tỷ NDT để làm xe “Made in China”, cạnh tranh với Tesla và các thương hiệu quốc tế.
Tuy vậy, Qoros chỉ bán được hơn 5.000 xe vào năm 2021 và tụt xuống dưới 1.000 chiếc trong năm tiếp theo. Trong khi đó, khoản đầu tư vào nhà máy, đất đai và công nghệ đã khiến công ty của Diêu Chấn Hoa “chảy máu” tài chính nghiêm trọng, lỗ lũy kế 120 tỷ NDT (khoảng 437 nghìn tỷ đồng) chỉ trong vòng 3 năm.
Bước sang năm 2021, báo cáo tài chính trầm trọng hơn: hơn 2.000 tỷ NDT (khoảng 7,3 triệu tỷ đồng) nợ có lãi, nhân viên không nhận được lương, các đối tác kéo đến trụ sở đòi nợ. Năm 2023, tòa án tổ chức bán đấu giá 56 căn biệt thự tại Thâm Quyến của Diêu Chấn Hoa.
Ngày nay, hình ảnh thường thấy của Diêu Chấn Hoa là một người đàn ông trung niên mặc vest nhăn nhúm, đeo kính lệch, lặng lẽ ngồi ăn mì gạo tại vỉa hè gần văn phòng.
Chiếc điện thoại của ông liên tục nhận thông báo từ tòa án, trong đó có một khoản tranh chấp nhỏ chỉ 440.000 NDT (khoảng 1,6 tỷ đồng) nhưng đến giờ chưa thể thanh toán. Căn biệt thự cuối cùng của vị cựu tỷ phú ở Thâm Quyến được đưa ra đấu giá vào năm 2024 nhưng vẫn chưa có người mua.
(Theo Baidu, 163)