Từ vùng đất ngập mặn cực Nam Việt Nam đã hình thành "trái tim công nghiệp" đều đặn đập gần hai thập kỷ

Theo lãnh đạo của công ty, hồi đầu thực hiện dự án, đây là mảnh đất gần như hoang vu, cây cối um tùm.
Ít ai biết được rằng, trước khi trở thành một "trái tim công nghiệp" đều đặn đập suốt gần hai thập kỷ qua, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau từng là vùng đất ngập mặn nơi cực Nam của Tổ quốc. Cụm dự án được đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
" Ngày đầu tiên bước chân đến đây, mình hoang mang lắm. Mảnh đất gần như hoang vu, cây cối um tùm ", ông Nguyễn Văn Bé Ba khi đó là Phó Giám đốc Công ty Khí Cà Mau (nay là Tổng Giám đốc) chia sẻ.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, ngày ấy, ông trong đội tiếp nhận vận hành công trình. Công trường trải dài 27km từ trạm tiếp bờ thuộc khu vực Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, đến khu Công nghiệp Khí Điện Đạm đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.
Hàng ngày, ông phải ngồi ô tô 90 phút, sau đó tiếp tục ngồi vỏ lãi hơn 1 giờ chạy ngoằn nghèo qua các con rạch mới đến trạm tiếp bờ, rồi lại tiếp tục đi xuồng dọc theo kênh đến từng điểm thi công để phối hợp giám sát.
Được biết, đây là cụm công trình trọng điểm quốc gia này do Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD.
Mục tiêu lớn nhất của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là tạo ra một sức bật mạnh mẽ để thay đổi cơ cấu kinh tế Cà Mau, phát triển công nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ.
Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau trải rộng trên diện tích hơn 200 ha, bao gồm các công trình trọng điểm như đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, các nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2, cùng Nhà máy Đạm Cà Mau. Đây là trung tâm cung cấp khí, điện và phân bón.
Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau là một trong những công trình hạ tầng quan trọng có vai trò vận chuyển khí đến các nhà máy trong cụm. Công trình có công suất 2 tỷ m3 khí/năm. Chiều dài đường ống 325km (298km ngầm dưới biển).
Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2, bao gồm 2 nhà máy nhiệt điện chu trình hỗn hợp sử dụng tuabin khí thế hệ F với cấu hình 2-2-1, với tổng công suất 1.500 MW.Mỗi Nhà máy bao gồm 2 tuabin khí, 2 lò thu hồi nhiệt và 1 tuabin hơi, trong đó, tuabin khí và tuabin hơi đều có công suất 250 MW do Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) thiết kế, cung cấp và lắp đặt thiết bị.
Nhà máy Điện Cà Mau 1 có diện tích xây dựng trên 20ha được khởi công vào ngày 9/4/2006, vận hành thương mại ngày 20/3/2007. Nhà máy Điện Cà Mau 2 có diện tích xây dựng 9,5ha được khởi công vào ngày 9/4/2006, vận hành thương mại ngày 13/12/2008.
Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn/năm, tương đương 2.350 tấn ure/ngày. Lượng khí tiêu thụ khoảng 500 triệu m3/năm. Nhà máy có diện tích xây dựng 52,4ha.
Tính đến tháng 2/2025, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã cung cấp 28,81 tỷ m³ khí, 116,49 tỷ kWh điện và 11,18 triệu tấn phân bón ra thị trường, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia. Tổng doanh thu của các đơn vị trong Cụm đạt khoảng 336.420 tỷ đồng (tương đương 13,5 tỷ USD) , đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 21.000 tỷ đồng.
Cụm còn tạo việc làm cho hơn 1.533 lao động , trong đó có 811 lao động từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 554 lao động từ tỉnh Cà Mau.
Dự án này không chỉ thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khu vực mà còn khẳng định vai trò then chốt trong chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.