Từ thương binh trở thành Thầy thuốc Nhân dân

Một cậu bé mới 14 tuổi đã mồ côi cha và trở thành lao động chính để nuôi 5 đứa em nhỏ và bà mẹ bị mù. Ông có nhớ sức mạnh nào đã giúp mình vượt qua giai đoạn khốn khó này?
Ba tôi bị đột quỵ mất năm 1974 trong khi mẹ bị mù cả hai mắt, tôi là anh đầu của 5 đứa em, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi. Bà con ở quê khuyên tôi nên đưa mẹ và các em về quê sinh sống vì nghĩ khó mà trụ lại được ở Nha Trang. Phú Vang (Huế) quê tôi là một vùng biển bãi ngang ngày xưa rất nghèo, anh em tôi không biết đi làm biển thì về đó chỉ có cách chiều chiều ra bãi xin ăn từ những người đi đánh cá về, và lại không được đi học. Mong các con được học hành tử tế cũng chính là di nguyện của ba tôi. Nên dù có khó khăn mấy cũng phải ở lại; chính ở đây, ngôi chợ Xóm Mới (Nha Trang) đã bảo bọc che chở cho cả gia đình tôi.
Khu nhà ngày xưa gia đình ông cư ngụ ở chợ Xóm Mới không khác gì "ổ chuột", và bị giải tỏa trắng từ cuối thập niên 1970. Ông có thể kể vài công việc lao động ở khu chợ này đã nuôi sống mình?
Tôi không nề hà việc gì cả, từ mua bán cá, phụ bốc dỡ gánh hàng cho những xe tải chở hàng từ tỉnh khác về phân phối trong chợ, mua bán nước đá cho những hàng bán cá tươi. Hai đứa em trai kế thì bán bao bì, cho các hàng quán thuê đòn ngồi, xách nước… Gần tới giờ đến trường mới vội vã chạy về thay đồ, may là nhà ở ngay trong chợ.
Những năm học cấp 3 thì tôi đã đủ lớn để có thể đạp xích lô nuôi gia đình, một cái nghề rất thịnh hành thời ấy. Ban ngày đến lớp, tối tự học, 3 giờ sáng đến các bến bãi, ga tàu đón khách. Bạn bè, thầy cô đều biết tôi chạy xích lô ngoài giờ học, đó là một công việc mà tôi mang ơn và không bao giờ quên.
Vì sao chàng trai 18 năm ấy lại quyết định tình nguyện nhập ngũ trong khi đang ở diện được miễn?
Năm 1978 tôi đủ 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3, là lao động chính của gia đình; tuy được miễn trừ nhưng lúc đó thế hệ của tôi đang hừng hực cùng cả nước giữ gìn biên giới Tây Nam chống quân Pol Pot xâm lược nên khó mà ngồi yên được. Các bạn tôi cũng xếp bút nghiên lên đường rất đông. Mẹ tôi đồng ý để tôi tình nguyện tham gia quân đội nhân dân VN, trách nhiệm nuôi mẹ cùng gia đình giao lại cho các em trai.
Lúc đó ông đã có hướng đi nào trong tương lai cho mình?
Tôi chỉ nghĩ được ra trận bảo vệ đất nước, trong đó có gia đình mình và bản thân, là vinh dự tự hào. Chiến sự đang vào giai đoạn ác liệt, may là thời đi học tôi cũng tham gia lực lượng Tự vệ phường nên cũng có kiến thức tối thiểu về sử dụng vũ khí.
Được biết ông là thương binh 3/4 vĩnh viễn. Ông có thể kể thêm về kỷ niệm thời quân ngũ, về đồng đội, và tình huống bị thương đối diện cái chết?
Tôi là lính của Trung đoàn 93, Sư đoàn bộ binh 2 thuộc Quân khu 5, có trách nhiệm bảo vệ bộ chỉ huy tiền phương của trung đoàn ngày ấy trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh. Do sơ suất chủ quan nên bị quân địch còn gài lại phản công dữ dội lúc ở Svay Rieng. Tôi vác cây trung liên tiến lên trước và trúng đạn, vỡ một khúc xương đùi, tưởng đã mất mạng, tay mở sẵn lựu đạn quyết tử mà đầu óc chỉ toàn hình ảnh cha mẹ và các em. Lúc đó nếu không có đồng đội liều mình ra sơ cứu và tải thương thì chắc tôi không còn ngày nay. Có những đêm ngồi thức trắng cùng đồng đội tân binh, hầu hết mới học xong phổ thông và chứng kiến cảnh hy sinh của anh em, mới thấy ranh giới sống chết ở chiến trường quá mong manh.
Tôi may mắn được điều trị kịp lúc nên không phải cưa bỏ chân. Biết ơn các y bác sĩ (BS) tuyến đầu, và tôi bắt đầu mơ ước được cống hiến cho y học.
Đồng đội cũ và ký ức thời chiến có ý nghĩa thế nào với ông?
Được về hậu phương học tập, làm việc cùng người thân, gia đình và bạn bè, tôi thường nhớ lại thời gian ngắn ngủi ở chiến trường, thấy tình đồng đội rất cao quý, vô tư. Nhiều đồng đội không được may mắn phải nằm lại mãi mãi ở chiến trường Campuchia. Nhiều đồng đội mang thương tật suốt đời, người thì bị di chứng thần kinh, người thì kinh tế khó khăn… rất cần sự quan tâm của xã hội. Tôi chỉ luôn nghĩ và cố gắng thực hiện, làm sao để nối kết, gặp gỡ những đồng đội một thời gian khổ ở chiến trường để họ an tâm vui sống.
Được biết ông có thời gian tu nghiệp ở Đức về chuyên ngành tai mũi họng, là BS chuyên khoa 2 trực tiếp điều trị; với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, ông có không ít công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn. Ông có thể kể về điều đó?
Năm 1986, về công tác tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, tôi được giới thiệu học tiếp chuyên khoa tai mũi họng và trên đại học, tham dự tập huấn hội nghị đào tạo chứng chỉ ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Tôi đã thực hiện được các chương trình nghiên cứu khoa học đa trung tâm và các đề tài cấp bộ, tỉnh, cơ sở sao cho có ý nghĩa thực tế phù hợp với địa phương mình. Do đó, các nghiên cứu này sau khi nghiệm thu là được thực hiện ngay, như đề tài: Chống nhiễm khuẩn BV, Dị tật bẩm sinh của trẻ em… tại tỉnh Khánh Hòa; là cơ sở để chúng tôi triển khai phòng đo thính lực, khám tầm soát sơ sinh, chỉnh hình nhi bệnh dị tật về mắt và thiếu men gây bệnh lý của nhi khoa. Các kết quả từ nghiên cứu khoa học về quản lý bệnh tật trẻ em đã được áp dụng rất tốt và nhận được các giải thưởng về khoa học sáng tạo của tỉnh Khánh Hòa.
Ông còn là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý có nhiều năm kinh nghiệm, trưởng thành từ vai trò của một BS ngay tại cơ sở, có phải vì vậy mà ông có cái nhìn thấu đáo và sáng suốt hơn ở cương vị rất khó để chu toàn này?
Tư duy và nghiên cứu kinh tế trong y tế đã giúp tôi mạnh dạn triển khai các chủ trương chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia tuyến T.Ư đến bệnh viện tỉnh. Một trong những điều tôi đã thực hiện thành công là thành lập Trung tâm dịch vụ y tế. Trung tâm đã đem lại kết quả ngoài mong đợi về hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng chuyên môn cho BVĐK tỉnh Khánh Hòa, nhiều bệnh lý và chuyên khoa trình độ cao đã được triển khai và thực hiện rất tốt giúp bệnh nhân không phải chuyển về tuyến trên.
Phòng công tác xã hội với bếp ăn từ thiện và các hoạt động cứu trợ khác trong BV được đặc biệt quan tâm. Tôi cũng yêu thích và tham gia các hội đoàn cộng đồng ngay khi về hưu, để có điều kiện dùng thời gian, sức khỏe còn lại của mình hòa đồng và kết nối mọi người.
Ông được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân vào ngày 17.11.2020. Ông có ý định "rửa tay gác kiếm" để bảo vệ sự nghiệp của mình?
Sau khi nghỉ hưu, có thời gian tôi tham gia quản lý, giảng dạy cho một trường đại học y để giúp tăng cường nhân lực y tế cho các tỉnh khu vực miền Trung. Ngoài ra, tôi vẫn tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám của mình, đồng thời giúp đỡ con gái tôi là một thạc sĩ - BS tai mũi họng tiếp tục nối nghiệp. Được tham gia khám từ thiện và góp sức cho các hoạt động tư vấn y tế xã hội cũng là tâm nguyện của tôi.
Ông còn được biết đến với danh hiệu có một không hai: Kỷ lục gia thế giới do Liên minh Kỷ lục thế giới - WorldKings công nhận xác lập kỷ lục với nội dung "Bộ sưu tập bút độc đáo, đa dạng mẫu mã có số lượng nhiều nhất thế giới". Từ đâu mà ông nuôi dưỡng đam mê này và điều đó có ý nghĩa gì với ông?
Bộ sưu tập bút xuất phát từ năm 1995 khi tôi sang học tập chuyên môn tại CHLB Đức. Ngày đầu tiên đến BV, tôi được giáo sư trưởng khoa tặng một cây bút và một cái đèn khám tai mũi họng làm tôi nhớ đến ngày xưa đi học ở làng quê, mình cũng được thầy giáo tặng một hũ mực và một cây bút ngòi lá tre. Sự tương đồng này làm tôi cảm động, thêm biết ơn những người thầy của mình. Từ đó tôi nảy ra ý định sưu tập bút. Khi bộ sưu tập được phong phú về chủng loại, số lượng và ý nghĩa thì năm 2017 tôi được VietKings xác lập Kỷ lục quốc gia VN, năm 2022 đạt Kỷ lục thế giới. Tôi cũng được ông chủ tịch Hội Kỷ lục gia thế giới đồng thời là một người thầy của Trường đại học Kỷ lục thế giới tại Anh động viên, trao đổi hướng dẫn để làm luận án tiến sĩ danh dự với chủ đề cây bút, nói đến sự hiếu học của người VN. Tôi rất hạnh phúc khi bảo vệ thành công luận án.
Sự kiện này đã động viên tôi tham gia Hội đồng Xác lập kỷ lục VN, chuyên lo sưu tầm, báo cáo xác lập các kỷ lục có giá trị văn hóa, xã hội, thiên nhiên, con người của các địa phương, vùng miền và các ban ngành.
Sau tất cả, với một người từng nhiều lần đối diện lằn ranh sinh tử, ông cảm nhận được điều quý giá nhất hiện nay với mình là gì?
Trải qua gần 40 năm công tác và hoạt động xã hội, lại thêm nhiều biến cố về sức khỏe, tôi nhận thấy cuối cùng giá trị lớn nhất vẫn là thể lực của mỗi con người. Cần có môi trường sống trong lành về thể chất và tinh thần, tôn trọng cộng đồng và quan tâm lẫn nhau trong tình thân ái. Và cũng đừng quên phải luôn lắng nghe cơ thể mình, lắng nghe chung quanh, để cuộc sống được hài hòa và đầy năng lượng tích cực.
Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này.
Tác giả: Ái Duy