Trung Quốc phát hiện mỏ khoáng sản đảo chiều cuộc đua quân sự

Một phát hiện khoáng sản tại Tân Cương có thể đảo chiều cuộc đua công nghệ siêu thanh, khi Trung Quốc tìm thấy mỏ zirconium lớn gấp 4 lần trữ lượng hiện có.
![]() |
Máy bay siêu thanh MD-19 của Trung Quốc được phóng từ không gian gần. Trong bối cảnh toàn cầu chạy đua các phương tiện bay siêu thanh và tên lửa hành trình, việc kiểm soát chuỗi cung ứng zirconium đã trở nên quan trọng như việc tiếp cận các nguyên tố đất hiếm. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. |
Một nhóm địa chất Trung Quốc vừa công bố phát hiện mỏ zirconium (zirconi) quy mô cực lớn tại lưu vực Kubai, rìa phía bắc của lưu vực Tarim, Tân Cương, theo SCMP.
Khu vực khô cằn và hẻo lánh này nay được kỳ vọng sẽ trở thành mắt xích chiến lược mới trong tham vọng công nghệ cao và quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang đua tốc độ phát triển vũ khí siêu vượt âm cùng Mỹ và Nga.
Theo đánh giá sơ bộ, trữ lượng zirconium dioxide tại mỏ mới này ước tính lên tới 2 triệu tấn - gấp 4 lần tổng trữ lượng zirconium hiện có của Trung Quốc.
Điểm đặc biệt là, khác với các mỏ zirconium truyền thống vốn tập trung tại các vùng ven biển hay trong đá magma nguyên sinh, trầm tích tại Kubai lại được hình thành trong các lớp địa tầng lục địa thuộc kỷ Paleogen và Neogen, nhờ hoạt động vận chuyển trầm tích của hệ thống sông hồ cổ đại.
Các hạt zircon đã di chuyển hàng trăm km từ các vùng đá kiềm, lắng đọng lại trong môi trường đồng bằng châu thổ và hồ nội địa.
Dạng quặng mới nằm trong đá sa thạch dạng cuội - cát thô, có độ rắn vừa phải, dễ khai thác lộ thiên và dễ xử lý bằng các phương pháp tuyển trọng lực, tuyển từ thông thường.
Không chỉ zirconium, khu vực này còn chứa nhiều khoáng sản quý hiếm khác như hafnium, scandium, cerium và yttrium - các nguyên tố đóng vai trò quan trọng trong công nghệ điện tử, năng lượng tái tạo và thiết bị tàng hình.
Zirconium được xem là một trong những kim loại chiến lược hiếm và khó thay thế, nhờ khả năng chịu nhiệt, chống ăn mòn và hấp thụ neutron vượt trội. Các hợp kim từ nguyên tố này là vật liệu thiết yếu trong buồng đốt siêu phản lực (scramjet), tấm chắn nhiệt, mũi tên lửa và bộ phận dẫn hướng của các dòng vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới.
![]() |
Một mẫu đá zircon thô. Trung Quốc đã phát hiện một lượng lớn zirconium được nhúng trong đá sa thạch ở lưu vực Kubai. Ảnh: Shutterstock. |
Mặc dù Trung Quốc hiện tiêu thụ hơn 53% sản lượng zirconium toàn cầu, chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp gốm sứ, lò phản ứng hạt nhân và hàng không vũ trụ, nước này vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ nước ngoài.
Với trữ lượng nội địa trước đây chỉ khoảng 500.000 tấn, tức chưa đến 1% tổng trữ lượng thế giới và hơn 90% zirconium phải nhập khẩu, đây từng được xem là một “gót chân Achilles” của nền công nghiệp Trung Quốc.
“Zirconium là một trong những nguyên tố kim loại chiến lược và khan hiếm nhất tại Trung Quốc”, nhóm nghiên cứu do kỹ sư trưởng Liu Bing từ Cục Địa chất Tân Cương chủ trì, viết trong bài báo đăng trên tạp chí Earth Science số tháng 6.
“Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã xếp zirconium vào nhóm tài nguyên chiến lược, bài toán an ninh nguồn cung ngày càng trở nên cấp thiết. Việc phát hiện mỏ này không chỉ nâng trữ lượng quốc gia mà còn có thể định hình lại cán cân cung ứng toàn cầu”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Giới phân tích từng cảnh báo trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, Trung Quốc có thể gặp rủi ro nếu Mỹ và các đồng minh mở rộng kiểm soát xuất khẩu không chỉ ở lĩnh vực bán dẫn mà cả với các vật liệu hàng không - vũ trụ chiến lược như zirconium.
Hiện nay, Australia là quốc gia sở hữu hơn 70% trữ lượng zirconium toàn cầu và là nhà cung cấp chính của Trung Quốc.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.